Những 'ông lớn' sẽ tiếp tục làm nhà ở xã hội như thế nào?

Đông Bắc 08:40 | 23/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh nhà ở xã hội đang tạo nên "cơn sốt", nhiều doanh nghiệp tuyên bố tiếp tục làm nhà ở xã hội và sẽ sớm cho ra thị trường sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ở của người thu nhập thấp và công nhân.

 Nhiều doanh nghiệp lớn tham gia làm nhà ở xã hội

Chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm 2023, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được nhiều doanh nghiệp khởi công hoặc lên kế hoạch xây dựng trên khắp cả nước.

Trong đó, có nhiều ông lớn trong ngành bất động sản như Vinhomes, Tổng công ty Viglacera, Vinaconex, Tập đoàn Nam Long, Tập đoàn Hoàng Quân, Tập đoàn Danh Khôi…

Theo chia sẻ của ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch CTCP Vinhomes (Mã: VHM), sản phẩm nhà ở xã hội "Happy Home" sẽ là một trong những trọng tâm phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới. Sau khi động thổ hai dự án đầu tiên tại Thanh Hóa và Quảng Trị trong năm 2022, công ty sẽ tiếp tục mở bán hai dự án này và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để bổ sung dự án tại nhiều tỉnh, thành phố ở cả ba miền như Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa.

Kế hoạch trong quý IV năm nay, Vinhomes sẽ tiến hành mở bán ở Thanh Hóa và Quảng Trị. Tại Hà Nội, doanh nghiệp cho biết cũng đang xin tham gia để triển khai dự án nhưng còn phụ thuộc vào thủ tục của cơ quan nhà nước. Khi xong mới tiến hành triển khai.

Mới đây, Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) cũng cho biết sẽ từng bước triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022 - 2030 đã được Bộ Xây dựng giao. Theo đó, các dự án trọng điểm đang triển khai gồm: Nhà ở công nhân tại các KCN Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai; nhà ở xã hội tại Kim Chung; khu nhà ở xã hội 9,8 ha Yên Phong - Bắc Ninh.

Năm nay, doanh nghiệp cũng dự kiến khởi công mới Nhà ở công nhân Tiền Hải (5,2 ha), nhà ở xã hội Phú Hà (8,4 ha). Chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh; dự thầu dự án khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh (theo chương trình của UBND TP Hà Nội). Đồng thời tiếp tục khảo sát, tìm kiếm phát triển quỹ đất mới để đầu tư các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương có điều kiện phù hợp.

 

 Nhiều doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội. Ảnh BĐS.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra mới đây, đại diện CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) cũng khẳng định là có tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội. Nam Long cam kết xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội trong những vùng dự án Nam Long đang làm (Hải Phòng, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An). Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những block nhà ở xã hội doanh nghiệp này còn cùng chính quyền địa phương nghiên cứu, xây dựng những khu đô thị tích hợp dành riêng cho nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền.

Mới đây, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) cho biết, doanh nghiệp rất mong muốn làm nhà ở xã hội, lợi nhuận chỉ có 10% vẫn còn hơn làm đầu tư công.

Lãnh đạo Vinaconex cho biết đang xin chủ trương nghiên cứu và tài trợ công tác lập quy hoạch một số khu đất tại Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,… cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà phân khúc trung bình.

Lãnh đạo CTCP Tập đoàn Danh Khôi (Mã: NRC) cũng cho biết rằng, HĐQT và ban điều hành công ty cũng đang suy nghĩ kế hoạch tham gia vào nhà ở xã hội dựa trên quỹ đất mà công ty đang có tại huyện Nhà Bè hay quận 12. Tuy nhiên, để thực hiện phân khúc này, chắc chắn trong năm nay phía công ty vẫn chưa thể thực hiện được mà phải đợi sang năm 2025.

Còn theo thông tin từ HĐQT CTCP BV Land (UPCoM: BVL), việc phát triển các sản phẩm giá rẻ (nhà ở xã hội) cũng là mục tiêu của doanh nghiệp này trong năm 2023. Năm nay công ty sẽ tập trung phát triển các sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực.

Trong khi đó, theo đánh giá của ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC), hiện nay, chính sách cho nhà ở xã hội mạnh và dài hơi hơn so với năm 2013. Bởi 4 ngân hàng lớn có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay với chủ đầu tư là 8,7%/năm và 8%/năm với khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn đồng hành với lãi suất 4,8%/năm.

Ông Tuấn cũng chia sẻ, với gói 120.000 tỷ đồng thì công ty và các đơn vị liên kết có thể được hưởng dòng tiền lớn. Qua làm việc với ngân hàng thì các dự án công ty đã hoàn thành cũng có thể được vay các gói này.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tham gia làm nhà ở xã hội như Novaland, Becamex IDC, Tập đoàn Hưng Thịnh, TĐ Thắng Lợi...

Chưa ai vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Phát biểu tại hội nghị về triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội ngày 19/5, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết hiện chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng.

Đây là gói hỗ trợ cho vay với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại trên thị trường. Gói tín dụng được triển khai từ 1/4 và kết thúc muộn nhất là 31/12/2030.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết khó giải ngân gói tín dụng là vì nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế. Thực tế, trong Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội đã nêu rõ, vì các vướng mắc trong chọn chủ đầu tư, quỹ đất, định giá bán; các ưu đãi khuyến khích cho loại hình nhà này chưa đủ thu hút, khiến nguồn cung nhà đang eo hẹp.

 

 Chưa có đối tượng tiếp cận được gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ảnh NHN.

Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về xác định dự án, các trường hợp, điều kiện, tiêu chí vay.

Bên cạnh đó, cơ quan này nhìn nhận quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội có nhiều bất cập. Đơn cử, điều kiện về cư trú hay việc thu nhập cá nhân thuộc diện không phải đóng thuế không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.

"Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng", ông Bắc nói.

Theo ông, để chương trình cho vay này thực sự đi vào đời sống, các bộ, ngành cần sửa đổi các vướng mắc pháp lý, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, giúp tăng nguồn cung phân khúc này. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung bố trí quỹ đất, sớm công bố danh mục các dự án để những đối tượng thụ hưởng có thể tiếp cận vốn vay.