Những rủi ro tiềm ẩn khi cầm cố sổ đỏ tại tiệm cầm đồ
Hoạt động cầm đồ là giao dịch dân sự bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ theo Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, sổ đỏ khi cầm cố sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chị Nga - một nữ công chức do có việc cần tiền gấp, cần có một lượng tiền nhất định, nhưng vay ở ngân hàng thì quá nhiều thủ tục. Do đó chị định mang sổ đỏ tới cầm cố ở tiệm cầm đồ rồi vay tiền. Lo ngại có rủi ro, thắc mắc lớn nhất của chị ở thời điểm này là thủ tục cầm cố sổ đỏ thì pháp luật quy định ra sao, có an toàn không?
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Hà Nội) đưa ra tư vấn:
Hoạt động cầm đồ được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, là hình thức giao dịch dân sư nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Cầm cố tài sản là một bên (tức bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ (thường là trả tiền đã vay nợ).
Điều 315 Bộ luật Dân sự quy định, việc cầm cố tài sản được chấm dứt trong các trường hợp: nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt; việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp khác; tài sản cầm cố đã được xử lý hoặc tùy theo thoả thuận giữa các bên.
Dù vậy, hoạt động cầm cố không đơn giản như vậy, trên thực tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, dễ xảy ra biến tướng.
Chẳng hạn, lãi suất cầm cố tại các tiệm cầm đồ thường rất cao. Tùy tính chất của tài sản cầm cố mà hai bên sẽ thỏa thuận lãi suất, tuy nhiên đều dựa trên nguyên tắc tài sản có rủi ro cao thì lãi suất vay cao và ngược lại. Nếu bên cầm cố vay với lãi suất cao mà không có khả năng trả gốc và lãi đúng hạn thì bên nhận cầm cố có thể sẽ xử lý tài sản.
Nhiều người do cảm thấy quá cần tiền, không vay được ngân hàng hoặc không muốn vay ngân hàng do thủ tục phức tạp, giải ngân chậm do đó vẫn chấp nhận lãi suất cao của các tiệm cầm đồ để có thể vay được tiền. Nhiềm tiệm cầm đồ còn cố tình lách luật bằng cách thu luôn tiền lãi vay nhưng vẫn yêu cầu khách hàng ký nhận đã nhận đủ số tiền vay gốc và ghi lãi ở mức không vượt quá mức quy định của pháp luật. Do đó, khi xảy ra tranh chấp sau này, bên cầm cố sẽ rất khó chứng minh lãi suất thực là bao nhiêu.
Ngoài ra, bên cầm cố có thể tiềm ẩn nguy cơ nếu không trả đúng hạn, có thể bị gây áp lực, đe dọa,... Trong trường hợp này, tài sản cầm cố thường là sổ đỏ, sổ hộ khẩu,... không có khả năng bán để thu hồi nợ. Thậm chí, nhiều người khi bị đe dọa, gây áp lực cũng không báo cho cơ quan chức năng do lo sợ bị bên nhận cầm cố... trả thù.
Thông thường, bên nhận cầm cố sẽ không sử dụng tài sản cầm cố. Dù vậy, có một số trường hợp bên nhận tự ý sử dụng tài sản, thậm chí gây hư hỏng nghiêm trọng. Nếu có kiện vì tranh chấp dân sự, thực tế bên thiệt thòi nhiều khi vẫn là bên cầm cố. Một số trường hợp khi giao nhận tài sản cũng không ghi biên bản ghi nhận hiện trạng tài sản, do đó nếu có vấn đề sẽ rất khó giải quyết vì không có căn cứ, chứng minh.
Linh Chi (t/h)