Những 'sói già' phố Wall lừng danh (P6): Carl Icahn là ai?
Carl Icahn đầu tư phần lớn thông qua công ty Icahn Enterprises được giao dịch công khai. Ông cũng điều hành một quỹ đầu tư được tạo thành từ tiền mặt cá nhân của mình cũng như nguồn tiền từ Icahn Enterprises.
Xuất thân và giáo dục
Carl Icahn sinh ngày 16/2/1936 tại Far Rockaway, Queens, New York. Ông là con duy nhất trong một gia đình có mẹ là giáo viên, trong khi cha ông theo đuổi nhiều công việc - giáo viên, luật sư, cantor. Sau khi tốt nghiệp trung học, Carl theo học tại Đại học Princeton, và lấy bằng cử nhân triết học vào năm 1957.
Sau khi rời Princeton, Carl Icahn theo học Đại học New York để nghiên cứu y học. Sau hai năm học, ông đăng ký nhập ngũ vào lực lượng dự bị của Quân đội Hoa Kỳ. Sau khi giải ngũ, Icahn trở thành nhà môi giới chứng khoán, làm việc cho một số công ty trước khi thành lập công ty môi giới của mình. Việc chơi chứng khoán giúp ông thu về khoảng 1,2 - 2 triệu USD mỗi năm. Nhờ những thành công đó, ông thành lập nên công ty Icahn Enterprises của riêng mình.
Quan điểm đầu tư
Carl Icahn từng chia sẻ quan điểm đầu tư là xác định các cổ phiếu có tỷ lệ giá trên thu nhập (P / E) thấp hoặc có giá trị sổ sách vượt quá định giá thị trường hiện tại.
Những bí quyết đầu tư của Carl Icahn thường dễ để làm theo nhưng lại khá khó để thành công. Như nhiều nhà đầu tư khác, Icahn thường mua một lượng lớn cổ phần chi phối của những công ty nhỏ hoặc bị thị trường 'lạnh nhạt'. Sau đó, ông tích cực có được vị trí quan trọng trong công ty rồi dùng vị thế của mình kêu gọi hội đồng quản trị thông qua quyết định dùng lợi nhuận hay vay mượn thêm để mua lại cổ phiếu, qua đó đẩy giá cổ phiếu này tăng trong ngắn hạn.
Nói cách khác, ông Icahn sẽ không ngần ngại bán tài sản của công ty, thực hiện chính sách mua lại cổ phiếu hoặc thậm chí làm bất cứ điều gì để có thể thu lợi về nhanh nhất, bất chấp doanh nghiệp có thể sẽ bị thâu tóm hay phá sản sau đó.
Sự nghiệp đầu tư
Dấu ấn đầu tư đầu tiên của Icahn là vào năm 1979 khi ông mua công ty Tappan. Ngay sau khi giành được một ghế trong hội đồng quản trị, ông đã bán công ty thông qua giao dịch trị giá 3 triệu USD và thu lời 100% từ số vốn đầu tư ban đầu.
Năm 1985, tỷ phú Icahn mua lại hãng hàng không TWA nhờ tiền vay nợ. Sau đó nhà đầu tư này bắt đầu chia nhỏ công ty ra để bán dần tài sản, qua đó trả nợ khoản tiền vay đã sử dụng để mua TWA.
Năm 1988, ông thực hiện kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 650 triệu USD, cho phép ông thu lại gần như toàn bộ khoản đầu tư 469 triệu USD của mình mặc dù khiến TWA gánh khoản nợ lên tới 540 triệu USD. Ngay sau đó, các đường bay hiệu quả nhất của hãng hàng không sẽ được bán cho các đối thủ cạnh tranh, dẫn đến việc kinh doanh suy yếu phải tuyên bố phá sản. Icahn rời công ty vào năm tiếp theo.
Tiếp sau đó là hàng loạt những thương vụ tương tự, khi “sói già phố Wall ” liên tục mua lại lượng lớn cổ phần chi phối để điều chỉnh tăng giá cổ phiếu hay đem lại lợi nhuận cho chính bản thân mình. Hàng loạt những vụ tranh chấp quyền điều hành, giành mua cổ phiếu đã diễn ra tại US Steel, ACF Industries, American Railcar Industries... trong khoảng thập niên 2000.
Kể từ năm 2000, Icahn Enterprises đã tạo ra lợi nhuận lên tới 840% so với 250% của Berkshire của tỷ phú Warren Buffett. Các quỹ đầu tư của Icahn mang lại mức lợi nhuận trung bình khoảng 25%/năm. Năm 2012, danh mục đầu tư do ông quản lý (bằng tiền của ông và nhân viên) đã mang lại mức lợi nhuận hơn 20%, nhờ các vụ đặt cược vào Hain Celestial Group và CVR Energy.
Nguồn tài sản khổng lồ đã khiến Carl trở thành một người cực kỳ nguy hiểm. Sự nguy hiểm đó là ông có thể đi thâu tóm các công ty mà trước đây không ai nghĩ là có thể thâu tóm được.
Tính đến ngày 24/6/2022, tài sản ròng của Carl Icahn là 22 tỷ USD.
Ông đã quyên góp khoảng 200 triệu USD cho trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai.