Những vấn đề pháp lý cần đặc biệt quan tâm khi khởi nghiệp

22:01 | 16/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hiện nay, khởi nghiệp đã trở thành khái niệm quen thuộc trong môi trường kinh doanh hiện đại. Vì vậy, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách cũng như hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích khởi nghiệp phát triển.

Thời gian vừa qua, nhiều khóa học khởi nghiệp, kinh doanh được mở ra nhưng vấn để cực kỳ quan trọng theo các nhà khởi nghiệp trong suốt chặng đường kinh doanh sau này lại ít được quan tâm, đó chính là vấn đề pháp lý khi khởi nghiệp.

Nhiều doanh nhân trẻ Việt Nam, khi khởi nghiệp cũng cho rằng, vấn đề pháp lý nếu không nắm rõ sẽ dễ gặp phải nhiều rắc rối nhất, đôi khi sẽ trở thành rào cản, cản trở việc khởi nghiệp.

Đa phần, những nhà khởi nghiệp lại không phải là luật sư hay những người hiểu luật, họ thông thường chỉ quan tâm tới ý tưởng kinh doanh, chiến lược phát triển, xây dựng thương hiệu, kêu gọi nhà đầu tư... mà đôi khi quên mất vấn đề pháp lý. Chính vì vậy, để khởi nghiệp thuận lợi, những doanh nhân trẻ cần nhờ các đơn vị tư vấn luật để giúp đỡ trong vấn đề này. Khi khung pháp lý của doanh nghiệp được rõ ràng, các vấn đề pháp lý sẽ không còn là rào cản của doanh nghiệp thì những người khởi nghiệp mới có thể tập trung và yên tâm để thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình.

Dưới đây là những vấn đề pháp lý các doanh nhân trẻ cần quan tâm khi khởi nghiệp:

Sở hữu trí tuệ

Hiện nay, vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề nan giải với các doanh nghiệp cũng như nhà quản lý. Đặc biệt với đặc điểm của các start-up – đề cao tính đổi mới sáng tạo, độc đáo trong sản phẩm, thì những thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ càng cần được đặt lên hàng đầu.

Theo quy định, sản phẩm trí tuệ bao gồm sáng kiến, sáng chế, công thức chế tạo, logo, nhãn hiệu, slogan… Các sản phẩm này có thể được tạo ra bởi chính người sáng lập hoặc bởi bên thứ ba được thuê (công ty thiết kế đồ họa, những người phát triển cho sản phẩm công nghệ), các nhân viên của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Việc ký kết thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm rõ ai là người sở hữu, ai có quyền sử dụng (trong thời gian bao lâu), ai có quyền mua lại các sản phẩm trí tuệ này. Đặc biệt, với các start-up về công nghệ, những sản phẩm trí tuệ này là nền tảng hoạt động, nên nếu có xảy ra tranh chấp, sự tồn tại của công ty start-up sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Những vấn đề pháp lý cần đặc biệt quan tâm khi khởi nghiệp - ảnh 1
 Nhà khởi nghiệp cần quan tâm tới thủ tục pháp lý để doanh nghiệp hoạt động tốt

Soạn thảo và ký kết thỏa thuận hợp tác

Những người sáng lập start-up lúc đầu thường gắn kết với nhau bằng đam mê, tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng, các thành viên chỉ cần góp vốn và công sức để đưa start-up phát triển. Sau này khi tìm được nhà đầu tư rót tiền vào, lúc đó mới quan tâm đến việc thành lập pháp nhân.

Vì vậy, những người sáng lập không chú trọng đến việc thành lập doanh nghiệp, mà chỉ chia sẻ ý tưởng và thỏa thuận miệng các điều kiện kinh doanh với nhau.

Tuy nhiên, các thỏa thuận này thường sơ sài và dưới góc độ pháp lý chỉ là những thỏa thuận dân sự. Khi dự án khởi nghiệp phát triển tốt và có lợi nhuận, giữa những người sáng lập sẽ xảy ra các xung đột liên quan đến việc góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích… Lúc này những thỏa thuận kia sẽ không đủ cơ sở để giải quyết các vấn đề tranh chấp.

Dù là người thân hay bạn bè thân quen, các nhà sáng lập cũng nên rõ ràng ngay thời gian đầu về các điều khoản hợp tác, phương pháp làm ăn với nhau.

Xây dựng hệ thống pháp lý doanh nghiệp

Có thể nói, lợi nhuận từ dự án là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp, vì vậy những vấn đề về pháp lý và hành chính liên quan đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp thường bị bỏ quên.

Điều đó dẫn đến các start-up thường bị động trong việc chuẩn bị giấy tờ khi có đối tác, khách hàng yêu cầu đột ngột, nhiều nguy cơ bị tuột mất cơ hội làm ăn.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, start-up cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến ngành nghề, vốn, đáp ứng một hoặc nhiều điều kiện kinh doanh. Đối với một số lĩnh vực kinh doanh, các giấy phép chuyên ngành (giấy phép con) là điều kiện bắt buộc.

Làm các giấy tờ kinh doanh theo ngành

Tùy vào loại hình doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh, kế hoạch phát triển doanh nghiệp mà người đứng đầu doanh nghiệp nên chuẩn bị các thủ tục hành chính, giấy phép đặc thù trong ngành kinh doanh của mình.

Ví dụ như: kinh doanh đồ ăn, thực phẩm, thức uống phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở, … Kinh doanh thương mại điện tử phải có giấy phép kinh doanh thương mại điện tử. Liên quan đến xuất nhập khẩu phải có giấy phép xuất nhập khẩu, …

Hoặc những thủ tục hành chính hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như: Đăng ký mã số, mã vạch, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đăng ký ISO...

Nắm rõ điều khoản sử dụng website

Truyền thông digital là kênh nổi bật mà các nhà khởi nghiệp nhắm đến để quảng bá sản phẩm của mình và tiếp cận khách hàng. Họ thường dùng các trang web, fanpage hay cửa hàng ảo… để quảng cáo. Vì vậy, việc nắm rõ các điều khoản sử dụng trang web là một điều quan trọng đối với các start-up.

Nếu startup có một trang web, các điều khoản này sẽ quy định cách sử dụng trang web hay những thông tin có trên trang web đó đối với người truy cập.

Các điều khoản này cũng là nền tảng giúp các nhà sáng lập giảm hoặc miễn trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với những trang web mà người sử dụng có thể đăng bài viết hoặc lời nhận xét.