9 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 600 triệu USD vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo
Chia sẻ tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo (VVS 2022) diễn ra ngày 19/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định đây là dịp kết nối các Quỹ đầu tư, nhà đầu tư với startups, tạo nên sự tương tác, hợp tác bền vững để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam. Năm nay, sự kiện VVS 2022 đã thu hút sự tham gia của nhiều startups triển vọng trong nước.
Theo Thứ trưởng, khu vực Đông Nam Á được đánh giá là phát triển năng động nhất và thu hút số vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh nhất, tăng gấp 5,2 lần trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. Điều này được thể hiện rất rõ qua giá trị vốn đầu tư khởi nghiệp trong giai đoạn 2020 - 2021 đạt gần 2 tỷ USD.
Theo thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm, số vốn đầu tư trong năm 2022 lên đến 600 triệu USD. Như vậy, tính cả 3 năm, giá trị vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đã đạt con số 2,6 tỷ USD, vượt qua mức vốn cam kết của các Quỹ đầu tư tại diễn đàn cho giai đoạn 2021 - 2025 là con số 1,5 tỷ USD. Dự báo, con số đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt 5 tỷ USD.
“Với những thành tựu trong quá trình phát triển, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế nhìn nhận, đánh giá là một nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng, với những cải cách và mở cửa. Để tiếp nối những kết quả đã đạt được, cũng như đảm bảo tương lai phát triển nhanh, bền vững, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam kiên định đường lối đổi mới, cải cách và phát triển, chủ động, tích cực cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một động lực quan trọng, là chìa khoá của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.", Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Đánh giá về tiềm năng và triển vọng của thị trường Việt Nam, ông nói thêm: “Các Quỹ đầu tư lớn đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt với thị trường vốn cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, và đánh giá là Việt Nam cùng với Singapore và Indonesia là tam giác dẫn đầu của khu vực về thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn tới".
Cũng trong sự kiện này, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ Việt Nam đã và đang có những chủ trương, chính sách để chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như hoàn thiện thể chế cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo. Trong đó bao gồm nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế chính sách, kiện toàn hạ tầng công nghệ thông tin, kiện toàn chính sách về giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, và đặc biệt là chủ trương cho phép áp dụng thử nghiệm các cơ chế chính sách đặc thù cho đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh như vậy, Diễn đàn VVS thường niên được kỳ vọng sẽ tập hợp trí tuệ, nguồn lực từ các bên tham gia để tạo được sự hợp tác trong khởi nghiệp sáng tạo, nhằm tạo ra các sản phẩm hữu ích, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ số, mang đến những lợi ích vượt trội cho xã hội và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế đất nước.
Tại Diễn đàn, nhiều diễn giả đã đề xuất những ý kiến về hoàn thiện thể chế, như có thể nghiên cứu thành lập Quỹ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thực hiện đơn giản hoá các thủ tục, trong đó có các thủ tục như visa, thủ tục thành lập các Quỹ khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, cũng như các cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đáp lại những ý kiến trên, Thứ trưởng cho biết, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là phải thích ứng kịp thời và luôn có phương án để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn và sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành để báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục cải thiện môi trường trong kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.