Các startup công nghệ sâu Đông Nam Á cần được hỗ trợ nhiều hơn
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đông Nam Á phát triển sôi động, fintech và logistics dẫn đầu
Hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. Riêng năm 2021, khu vực ghi nhận thêm 25 startup tại 6 nước vượt ngưỡng giá trị vốn hóa 1 tỷ USD. Số lượng kỳ lân của năm 2021 bằng tổng 7 năm trước cộng lại. Trong 10 năm qua, có hơn 12.000 startup đã được sáng lập trong 10 năm qua tại khu vực.
Đằng sau thành công này là nguồn vốn đầu tư từ các quỹ tăng về số thương vụ và giá trị qua các năm. Theo báo cáo của DealStreetAsia, các startup Đông Nam Á đã kêu gọi được 25,7 tỷ USD trong năm 2021, cao gấp 2,7 lần con số 9,4 tỷ USD của năm 2020, phá kỷ lục 14 tỷ USD của năm 2018. Được các nhà đầu tư quốc tế hỗ trợ, các công ty mạo hiểm Đông Nam Á như Alpha JWC, AC Ventures và Jungle Ventures đã huy động được số tiền lớn nhất.
Xét theo ngành, Fintech (công nghệ tài chính) và Logistics (hậu cần kho bãi) là 2 lĩnh vực thu hút vốn đầu tư mạo hiểm nhiều nhất ở Đông Nam Á. Các công ty khởi nghiệp fintech dẫn đầu gọi vốn trong năm 2021 với 5,83 tỷ USD, gấp 4 lần so với con số 1,46 tỷ USD của năm 2020, khi các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính số bùng nổ trong đại dịch.
Xếp thứ 2 là lĩnh vực logistics với 5,56 tỷ USD vốn kêu gọi trong năm 2021 được thúc đẩy bởi sự phát triển của ngành thương mại điện tử.
10 công ty gọi vốn thành công nhất Đông Nam Á trong năm 2021 là: J&T Express (Indonesia), GoTo (Indonesia), The CrownX (Việt Nam), Grab (Singapore), Emeritus (Singapore), Trax (Singapore), Ninja Van (Indonesia), Mynt (Philippines), Carro (Singapore) và VinCommerce (Việt Nam). Trong năm 2021, J&T Express được định giá 20 tỷ USD từ cuối tháng 12/2021 là startup duy nhất thuộc Đông Nam Á vào top 15 kỳ lân lớn nhất thế giới.
Các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được xem là những nơi nuôi dưỡng startup của khu vực. Trong đó, đáng chú ý là Singapore, trung tâm tài chính toàn cầu, có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển vượt bậc xét về số vốn đầu tư. Nước này cùng với Indonesia, đã sản xuất số lượng kỳ lân lớn trong năm 2021. Ở Singapore, Ninja Van, Carousell, Carro và Nium là một trong số các công ty khởi nghiệp đạt được trạng thái kỳ lân.
Nếu xét về số vốn đầu tư, Việt Nam hiện đứng thứ 3 ASEAN về tốc độ tăng trưởng nguồn vốn cho đầu tư khởi nghiệp sau Singapore và Indonesia.
Các lĩnh vực công nghệ sâu (deep tech) cần được hỗ trợ nhiều hơn
Mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á phát triển nhanh chóng, các công ty khởi nghiệp công nghệ chuyên sâu (deep tech) cũng cần được hỗ trợ thêm để tập trung vào nghiên cứu, mở rộng quy mô .
Mới đây, phát biểu tại hội nghị Future of Asia lần thứ 27 ở Tokyo Chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm Real Tech Holdings của Nhật Bản Akitaka Wilhelm Fujii cho biết các công ty khởi nghiệp công nghệ sâu phải đối mặt với những thách thức trong việc tuyển dụng nhân tài và tìm kiếm nhà đầu tư. Sandhya Sriram, một nhà sinh học tế bào gốc - Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Shiok Meats của Singapore cho biết các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học nên phổ biến hơn vì có thể giúp ngăn chặn các cuộc khủng hoảng toàn cầu trong tương lai.
Real Tech quản lý các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo, với hơn 70 công ty ở Nhật Bản và Đông Nam Á. "Chúng tôi đã có thế hệ doanh nhân thực sự mạnh mẽ đầu tiên tạo ra những kỳ lân từ con số không như Tokopedia, Gojek. Nhưng khi nói đến công nghệ sâu, Đông Nam Á vẫn đang trong quá trình phát triển", ông Fujii nói.
Sriram cũng lưu ý rằng châu Á vẫn còn một con đường dài để phát triển lĩnh vực này. Trong phiên thảo luận với tiêu đề "Thay đổi thế giới từ châu Á - Tương lai được tạo ra bởi các doanh nhân”, bà Sriram nói: "Ở châu Á, ngay cả ở Singapore, tinh thần kinh doanh mảng công nghệ sinh học không quá phổ biến khi hầu hết các nhà sinh học ở lại với tư cách là nhà khoa học trong các trường đại học và viện nghiên cứu".
Shiok Meats được thành lập vào năm 2018 và tập trung vào nuôi cấy tôm và cua từ tế bào trong phòng thí nghiệm, công ty duy nhất trong ngành thực phẩm thay thế mới nổi ở Châu Á. Một công việc kinh doanh như vậy đòi hỏi nguồn vốn rất lớn để nghiên cứu và phát triển trước khi sản phẩm có thể được thương mại hóa. Nhưng nó là một ngành kinh doanh quan trọng vì có khả năng giảm bớt các vấn đề toàn cầu như tình trạng mất an ninh lương thực và ô nhiễm môi trường do canh tác quy mô lớn gây ra.
Đông Nam Á là quê hương của các công ty khởi nghiệp nổi bật như Grab của Singapore và GoTo của Indonesia, cả hai đều đã niêm yết trên sàn chứng khoán gần đây thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Ông Fujii cho biết sự đa dạng phong phú về văn hóa, giới tính và nền tảng học thuật trong khu vực Đông Nam Á là chìa khóa cho sự đổi mới để các doanh nhân Đông Nam Á ghi dấu ấn trên bản đồ quốc tế.