Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu công nghiệp tại VN?
Cụ thể, tổ chức Jetro cho biết theo khảo sát trong năm 2020, có tới 50% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh” trong thời gian 1 đến 2 năm tới.
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư cũng xuất hiện những vướng mắc, khó khăn. Phía Nhật Bản chỉ ra đó chính là tỷ lệ nội địa hoá nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp. So sánh với một số các quốc gia phát triển về công nghệ khác thì tỷ lệ của họ vượt trội so với Việt Nam: Trung Quốc khoảng 70%, tỷ lệ của Thái Lan 60%, trong khi của Việt Nam chỉ 37%.
Các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu tới 60%, bối cảnh dịch bệnh khiến giá vận chuyển tăng cao nên các doanh nghiệp ngày càng muốn nội địa hóa hơn nữa nguyên liệu, linh kiện tại Việt Nam.
Bàn luận về vấn đề trên, GS.TSKH Phạm Phố trả lời với chuyên trang Đất Việt thuộc báo Tri thức và cuộc sống rằng yếu tố quan trọng nhất để nội địa hóa vẫn nằm ở chính sách và sự điều phối của nhà nước Việt Nam.
Ảnh minh họa
Vị chuyên gia chỉ ra, muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì phải đẩy mạnh ngành công nghiệp cơ khí và luyện kim, hay từ trước nay vẫn gọi là công nghiệp nặng. Cơ khí chủ yếu là gia công, còn muốn có các loại vật liệu phục vụ cho cơ khí - chủ yếu là hợp kim giá thành cao, thì phải dựa vào luyện kim.
Theo đó, phát triển được những ngành trên thì nước ta mới đủ cơ sở để "mơ" tới một nền công nghiệp vững mạnh với sự tăng trưởng của các ngành đường sắt, tàu thủy, chế tạo vũ khí...
Điều này Việt Nam có thể làm được, nhưng ông Phố lại nêu ra thực trạng rằng doanh nghiệp thép trong nước đổ xô sản xuất thép xây dựng giá rẻ, bán được ngay, thu hồi vốn nhanh, có lời; còn sản xuất thép hợp kim giá thành cao phục vụ làm nguyên liệu chế tạo là dạng thiết bị phải đầu tư nhiều lại chậm, thu hồi vốn lâu khiến nhiều công ty không mặn mà.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa là thước đo quan trọng để đánh giá sự thành công của quá trình phát triển của một số ngành công nghiệp như chế tạo ô tô. Nhưng sau mấy chục năm công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn èo uột, tỷ lệ nội địa hóa mới chỉ vài phần trăm, cách xa mục tiêu đã đề ra, trong khi xe nhập ngoại ngày càng lấn át trên thị trường.
Cuối cùng, chuyên gia Phạm Phố chỉ ra hiện tại Nhà nước chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của công nghiệp luyện kim. Phía cơ quan quản lý trong nước cần làm nhiều việc hơn để tăng cường nội lực, mà trước hết là cần có những ưu đãi về đãi về tài chính cho doanh nghiệp trong nước đầu tư lâu dài và mở rộng ra. Ngoài ra, cần làm cầu nối phối hợp giữa Chính phủ cùng doanh nghiệp các bên.
H.S
Xem thêm: Doanh nghiệp Nhật gặp khó trong nội địa hóa nguyên liệu ở Việt Nam