Nợ vay của 'vua tôm' Minh Phú (MPC) giảm hơn 800 tỷ trong quý I

Lạc Lạc 11:20 | 08/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 2.123 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu thấp nhất kể từ đầu năm 2020 tới nay. Về phía nguồn vốn, theo BCTC, nợ vay của Minh Phú đã giảm gần 1.000 tỷ đồng trong kỳ.

"Vua tôm" Minh Phú bất ngờ lỗ ròng gần trăm tỷ

Tổng kết quý đầu năm nay, "vua tôm" Minh Phú mang về hơn 2.122 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, chỉ bằng một nửa so với con số thực hiện ở cùng kỳ năm trước. Do giá vốn đội lên, nên biên lãi gộp chỉ còn 5,8%, giảm mạnh từ 11,6% trong quý I/2022. 

Doanh thu tài chính trong kỳ tăng gấp đôi lên 38 tỷ, chi phí tài chính cũng tăng 69% lên 54 tỷ. Trong khi đó, chi phí bán hàng giảm hơn một nửa xuống còn 134 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp gần như tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ bất ngờ lao dốc xuống mức âm 94 tỷ, trong khi cùng kỳ có lãi 98 tỷ đồng.

Kết quả, Minh Phú báo lỗ sau thuế 98 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 97 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Minh Phú báo lỗ kể từ đầu năm 2017 và cũng là kết quả thấp kỷ lục trong lịch sử hoạt động.

 

Giải trình kết quả kinh doanh suy giảm, Thủy sản Minh Phú cho biết do doanh thu bán hàng trong kỳ giảm. Ngoài ra, kết quả sản xuất kinh doanh của các Công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và Công ty sản xuất tôm giống Minh Phú Ninh Thuận không có hiệu quả.

Năm 2023, công ty lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 17.985 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.145 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, “vua tôm" Minh Phú còn cách rất xa so với kế hoạch lợi nhuận đã đề ra cả năm.

Nợ vay giảm hơn 800 tỷ so với đầu năm

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú đạt 9.502 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó phần lớn là tài sản ngắn hạn, đạt 6.402 tỷ đồng (chiếm 67%). 

Khoản tiền mặt và tương đương tiền hồi đầu năm đạt hơn 838 tỷ đồng, nhưng tính đến 31/3 đã giảm mạnh xuống còn khoảng 139 tỷ đồng. Nếu như đầu năm 2023, MPC ghi nhận 610,4 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống thì đến ngày 31/3 doanh nghiệp không còn ghi nhận khoản này.

Trong bối cảnh đầu ra khó khăn, Minh Phú đã giảm lượng hàng tồn kho hơn 6%, xuống 4.741 tỷ đồng, bao gồm 96% tồn kho thành phẩm. Lượng hàng bán bị trả ở mức hơn 77 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng vượt trội so với cùng kỳ năm trước. Số hàng tồn kho này cũng là tài sản đảm bảo cho khoản vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn 2.876 tỷ đồng từ các ngân hàng của doanh nghiệp. 

Bên cạnh trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (76 tỷ đồng), Minh Phú cũng trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh (5,6 tỷ đồng), đồng thời có khoản nợ ngắn hạn khó đòi gần 124 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, đến cuối quý I, doanh nghiệp đang gánh tổng nợ phải trả hơn 3.830 tỷ đồng. Do riêng khoản vay nợ tài chính đã chiếm hơn 80%, nên chi phí lãi vay phải trả cũng dâng lên mức gần 33 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, so với đầu năm, khoản nợ vay tài chính ngắn hạn của MPC đã giảm 24%, tương đương gần 908 tỷ đồng, chỉ còn 2.877 tỷ đồng. Ngược lại, nợ vay tài chính dài hạn tăng 65 tỷ đồng lên 198 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng, nợ vay tài chính cả ngắn và dài hạn của MPC đã giảm 843 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, khoản vay lớn nhất là 2.182 tỷ đồng từ ngân hàng TMCP Công Thương – Cà Mau được đảm bảo bằng việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, một số máy móc thiết bị, các khoản phải thu tương ứng với tài sản hình thành từ vốn vay và tỷ lệ dư nợ tại từng thời điểm.

Trong quý I, Minh Phú đã vay dài hạn thêm 65 tỷ đồng từ 2 Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) và TMCP Ngoại Thương (Vietcombank). Trong đó, doanh nghiệp có vay thêm 24,3 tỷ đồng từ VietinBank (đầu năm không ghi nhận khoản vay này) để đầu tư dự án nhà máy Minh Pháp tại khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau). Khoản vay này có thời hạn tối đa 5 năm và được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay phát sinh thuộc dự án này.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ (thị trường chính của Minh Phú) đạt hơn 104 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu sản phẩm tôm, tôm chân trắng chiếm 85,6% đạt 89 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ; tôm sú chiếm tỷ trọng 9,3% với giá trị đạt gần 10 triệu USD, giảm 28%, còn lại là tôm khác với giá trị đạt trên 5 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

Lạm phát tăng kỷ lục, sức mua giảm, tồn kho từ năm 2022 còn cao là những yếu tố làm giảm xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thủy sản, Chính phủ đang từng bước có những giải pháp tháo gỡ thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Với những tín hiệu tốt từ những kỳ Hội chợ, nếu kinh tế Mỹ khả quan hơn, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ có thể “ấm lên” sau quý 2 năm nay.