'Vua tôm Minh Phú': Giảm giá thành tôm nuôi Việt Nam xuống bằng Ấn Độ, Ecuador là cách duy nhất để cạnh tranh

Tố Uyên 20:34 | 25/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhận định của ban lãnh đạo CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã: MPC) tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa được tổ chức ngày 24/6.

5 tháng đầu năm 2023, bán hàng của MPC giảm hơn 45%

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú, trong 5 tháng đầu năm 2023, bán hàng của doanh nghiệp đã giảm hơn 45% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh giảm đáng kể do một số nguyên nhân. Thứ nhất do tác động từ xung đột Nga-Ukraine làm suy thoái toàn cầu, lạm phát tăng cao, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, chọn thực phẩm rẻ tiền hơn.

Thứ hai, trong năm 2022 khi dịch COVID-19 kết thúc, các nhà nhập khẩu, phân phối dự đoán tình hình tiêu dùng sẽ tốt hơn. Nên cuối năm 2022, các đơn vị này tăng cường nhập khẩu, lưu kho, chứa kho, nhưng xung đột xảy ra làm cho tiêu dùng giảm đáng kể, lượng tồn kho đã nhập về đầy hết các kho, không còn kho để chứa và nhập hàng. 

Đến đầu năm 2023, lượng bán ra vẫn khá chậm nên các đơn vị phải tích cực bán giảm tồn kho, song sản lượng không được như kỳ vọng.

Song song đó, giá thành tôm nguyên liệu của Ấn Độ và Ecuador thấp, trong khi giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam cao nên Minh Phú gặp khó khăn về bán hàng. 

Về tình hình kinh doanh quý I vừa qua, ông Quang cho biết thực tế MPC đã có ký hợp đồng với khách hàng, nhưng các kho ở các nước nhập khẩu đầy, khách hàng không nhận hàng được và đề nghị trữ hàng tại Việt Nam khi nào bán được họ sẽ nhận. Mặt khác, còn do chịu ảnh hưởng của bệnh EHP (ký sinh trùng gây cản trở tôm hấp thụ chất dinh dưỡng và dẫn đến tình trạng tôm còi cọc, chậm lớn, suy giảm sức đề kháng), bị lỗ ở vùng nuôi con giống, nên lợi nhuận kém.

Về tình hình vùng nuôi, ông Quang cho biết cuối năm 2021 và đầu năm 2022, xảy ra tình hình dịch bệnh EHP rất trầm trọng, tôm không lớn được, hao dần và chết dần nên các vụ nuôi đầu năm coi như thất bại. Sau khi họp bàn và tìm giải pháp khắc phục tình trạng bệnh EHP, đến giờ này kết quả nuôi có tín hiệu tương đối tốt, ví dụ như Minh Phú Kiên Giang đã nuôi được 70 ngày, tôm tăng trưởng tốt và đang thu tỉa; còn Minh Phú Lộc An đang tập trung xử lý ao để diệt EHP và dự kiến đầu tháng 7 bắt đầu thả giống.

Giải bài toán giá thành tôm nuôi để cạnh tranh 

Chia sẻ với cổ đông về tình hình sản xuất kinh doanh và thị trường xuất khẩu tôm năm nay, ông Quang cho biết, hiện giá tôm nuôi ở Việt Nam từ 4,8 - 5 USD/kg, trong khi đó, giá thành tôm nuôi ở Ấn Độ rất thấp, chỉ 3,4 - 3,8 USD/kg, tại Ecuador lại còn thấp hơn chỉ 2,2 - 2,4 USD/kg. Điều này khiến cho sản phẩm của Việt Nam nói chung và Thuỷ sản Minh Phú nói riêng khó bán ra được.

 Ông Lê Văn Quang - Thành viên HĐQT kiểm Tổng Giám đốc MPC giải đáp thắc mắc của cổ đông. Ảnh chụp màn hình

Giá thành tôm của Việt Nam đang rất cao so với Ấn Độ và Ecuador do tỷ lệ tôm nuôi thành công chỉ dưới 40%. Trong khi đó, ở Ấn Độ, tỷ lệ nuôi thành công là 60-70%, Ecuador trên 90%. 

Lý giải về việc tỷ lệ nuôi tôm nuôi thành công Việt Nam không cao, lãnh đạo Minh Phú cho rằng, nước ta tiếp cận nuôi tôm sạch bệnh, trong môi trường nhiều dịch bệnh, nuôi tôm với quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ nuôi từ 1-3ha, chung hệ thống cấp, thoát nước, tỷ lệ lây bệnh cao (tôm sạch bệnh nhưng thả tôm vào môi trường dịch bệnh)… Chính vì vậy đội giá thành, công ty phải xử lý vấn đề.

Vì thế để nâng cao năng lực cạnh tranh cho Thuỷ sản Minh Phú cũng như ngành tôm Việt Nam không còn con đường nào khác phải giảm giá thành tôm nuôi xuống bằng Ấn Độ, rồi bằng Ecuador.

Một vài giải pháp được ban lãnh đạo đưa ra là để không trực tiếp cạnh tranh với giá quá thấp của Ecuador thì phải gia tăng sản xuất và xuất khẩu tôm sú, tôm bạc thẻ và tôm đất. Bằng cách phải đẩy nhanh, đẩy mạnh gia hóa cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú, tôm bố mẹ bạc thẻ và tôm bố mẹ đất, đây là 3 loài tôm bản địa của Việt Nam mà Ecuador không có. Tiến tới nâng thị phần của tôm sú từ 20% lên 50%, tôm bạc thẻ và tôm đất từ 5% hiện tại lên 20%.

Bên cạnh đó, hợp tác với các công ty tôm bố mẹ ở Hawaii để gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ thẻ chân trắng ở Việt Nam, nhằm tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của Việt Nam, cũng như có giá thành tôm bố mẹ thấp.

Thêm vào đó, sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%.

Ngoài ra, xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuador từ năm 2035.

Định hướng tập trung vào thị trường Nhật Bản và dự báo tình hình dần khởi sắc từ tháng 8

Đối với thị trường Nhật Bản, ông Quang cho biết đây là thị trường mà công ty tập trung bán hàng trong thời gian tới. Vì Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ hàng có giá trị gia tăng cao, và công ty bán mặt hàng này có lời tốt hơn so với bán sản phẩm thô. Đồng thời, sản phẩm chế biến sâu, tiện dụng cũng là lợi thế của Minh Phú. “Định hướng của chúng tôi là tập trung mạnh vào thị trường Nhật Bản”, ông Quang nhấn mạnh.

Về tình hình quý II, Giám đốc Quang cho biết chưa tốt, vẫn còn kém. Tuy nhiên ông Quang vẫn tự tin rằng Minh Phú sẽ đạt được kế hoạch. Ông Quang nhấn mạnh: “Tình hình thị trường biến động rất khó lường, chúng tôi sẽ xem xét lại tình hình thực tế và sẽ thông tin cho các cổ đông trong tháng 8. Nếu tháng 8 lượng tiêu thụ hàng mạnh lên là chúng ta sẽ biết được tình hình kinh doanh của năm 2023, còn nếu tháng 8 tình hình mua hàng và bán hàng không tốt, thì kết quả kinh doanh năm 2023 sẽ kém”.

Dù biến động khó lường, nhưng vẫn có những tín hiệu tốt. Ông Quang cho biết, do giá tôm thấp, bên Ấn Độ đã treo ao từ 30 - 50%. Bên cạnh đó, Ecuador đối mặt với El Nino nên mưa rất nhiều, làm cho tôm chết, thiệt hại ước tính 30%. Như vậy, lượng tôm từ hai nước này trong những tháng cuối năm ước tính sẽ giảm. Còn tại Việt Nam, do giá tôm thấp nên nhiều người nuôi tôm cũng treo ao, ước từ 30 - 50%.

Do đó, lượng tôm trong những tháng cuối năm ước tính giảm từ 30 - 50%, dẫn đến lượng nguyên liệu có xu hướng bị thiếu. Các đơn vị sẽ có cơ hội bán giảm hết hàng tồn kho. Bên cạnh đó, cuối năm có nhiều lễ hội như Noel, Tết Nguyên đán của người châu Á, nên mức tiêu dùng sẽ tăng lên trong bối cảnh nguyên liệu bị thiếu hụt. Dự kiến từ tháng 8 trở đi giá tôm sẽ tăng và giải quyết được hàng tồn kho đã sản xuất đang nằm trong kho, tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn.

Năm 2023, Minh Phú lên kế hoạch sản xuất với tổng doanh thu 12.789,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 639,3 tỷ đồng, hai chỉ tiêu này giảm từ 22 - 23% so với thực hiện năm 2022. Trong đó, sản lượng sản xuất dự kiến giảm 27% về 45.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu ước tính giảm 13% còn 540,5 triệu USD.

Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền năm 2022, tỷ lệ từ 20 - 30% (tương ứng từ 164 - 247 tỷ đồng) tính trên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hợp nhất tại ngày 31/12/2022. Mức chi trả này tương đương tỷ lệ 4,11 - 6,17% mệnh giá (từ 411 - 617 đồng/cp). Thời gian chi trả dự kiến trong năm 2023. Tỷ lệ cổ tức kế hoạch năm 2023 từ 50 - 70%.