Minh Phú (MPC) lên kế hoạch lãi giảm 20%, cổ tức 2023 vẫn dự chia ở mức cao

Lạc Lạc 11:20 | 05/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã: MPC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 với kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm 20% trong bối cảnh toàn ngành còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, "vua tôm" đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030, giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam xuống bằng với Ấn Độ, năm 2035 bằng với Ecuador.

Dự kiến chia cổ tức 50-70% năm 2023

Năm 2023, Thủy sản Minh Phú dự trình kế hoạch sản xuất với tổng doanh thu 12.789,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 639,3 tỷ đồng, giảm 20% so với thực hiện năm 2022.

 Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của Minh Phú. Nguồn: MPC

Ban lãnh đạo Thuỷ sản Minh Phú nhận định, kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2023 chưa lạc quan hơn nhưng công ty đã và đang có những mục tiêu phát triển trong tương lai. 

Theo tài liệu dự trình, Thủy sản Minh Phú đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador với các giải pháp cụ thể như: Gia hóa cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú và tôm bố mẹ thẻ chân trắng; Sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam, đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%. Cuối cùng là xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp.

Đầu tháng 4, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Thủy sản Minh Phú cho biết, giá thành tôm nguyên liệu hiện nay Việt Nam cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador đã làm con tôm Việt Nam mất sự cạnh tranh so với tôm các nước.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Minh Phú dự kiến sẽ không trích lập các quỹ, chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20-30%, tương đương 411 - 617 đồng/cổ phiếu (4,11% - 6,17% trên mệnh giá). Nguồn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2022; để lại 70-80% lợi nhuận và ủy quyền cho HĐQT phân bổ cho phù hợp (đầu cho các dự án còn dang dở, dự phòng rủi ro tài chính năm 2023,...).

Ngoài ra, Thuỷ sản Minh Phú đề xuất không trích lập các quỹ từ nguồn lợi nhuận sau thuế năm 2022 mà giữ lại 70-80% lợi nhuận và ủy quyền cho HĐQT phân bổ cho phù hợp (đầu tư cho các dự án còn dang dở, dự phòng rủi ro tài chính năm 2023).

Theo kết quả kinh doanh quý đầu năm nay, "vua tôm" Minh Phú mang về hơn 2.122 tỷ đồng doanh thu thuần, chỉ bằng một nửa so với con số thực hiện ở cùng kỳ năm trước. Do giá vốn đội lên, nên biên lãi gộp chỉ còn 5,8%, giảm mạnh từ 11,6% trong quý I/2022. Kết quả, Minh Phú báo lỗ sau thuế 98 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 97 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Minh Phú báo lỗ kể từ đầu năm 2017 và cũng là kết quả thấp kỷ lục trong lịch sử hoạt động.

 

Giải trình kết quả kinh doanh suy giảm, Thủy sản Minh Phú cho biết do doanh thu bán hàng trong kỳ giảm. Ngoài ra, kết quả sản xuất kinh doanh của các Công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và Công ty sản xuất tôm giống Minh Phú Ninh Thuận không có hiệu quả.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 600 triệu USD, giảm 37%. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm 2 con số trong tháng 3 năm nay. Trong đó, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc giảm xung quanh mức 20%; xuất sang Mỹ, EU, Trung Quốc giảm sâu hơn khoảng 40%. Nếu tình hình tích cực, nhu cầu nhập khẩu có thể phục hồi sau quý II/2023. 

"Các doanh nhân tôm đang tất bật hơn bao giờ hết, chen chân các hội chợ thủy sản lớn trên thế giới, tìm cơ hội kinh doanh, dù nhỏ nhất. Sách lược cạnh tranh không chỉ chăm lo giảm giá thành; còn phải tập trung đáp ứng đòi hỏi xu thế người tiêu dùng; còn nỗ lực tạo ra những mặt hàng mới ngon thơm hơn, phối chế tiện ích hơn… Và hơn tất cả, về lâu dài, trông chờ vào tầm nhìn và chiến lược và trước mắt trông chờ những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ Chính phủ và cơ quan liên quan. Riêng các mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm nên chung tay, chia sẻ ngọt bùi và hết lòng nỗ lực vượt qua thử thách khắc nghiệt này" - TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN chia sẻ.