Nông dân Tuyên Quang đổi đời nhờ 'làm sạch'

Trang Mai 11:38 | 13/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mô hình tiên phong làm chè sạch hay chè chuẩn VietGAB đang giúp người dân Tuyên Quang khấm khá lên từng ngày. Những sáng tạo trong việc sản xuất, đóng gói hay phân phối sản phẩm đã và đang giúp vùng núi này nổi lên như một ‘vựa chè’ mới ở khu vực phía Bắc.

Là một tỉnh miền núi phía Bắc, được thiên nhiên ưu đãi với cảnh núi non hùng vĩ, cảnh đẹp và sản vật vô cùng đa dạng, nơi đây vẫn giữ cho mình được nhiều nét hoang sơ, mộc mạc và độc đáo. Trong những năm gần đây, Tuyên Quang đang dần đẩy mạnh khai thác du lịch, cùng với đó là phát triển sản vật địa phương với chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”. 

Theo thống kê đến tháng 8/2022, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh có 128 sản phẩm OCOP trên địa bàn 64 xã, phường, thị trấn của 85 chủ thể gồm 65 hợp tác xã, 8 doanh nghiệp, 5 tổ hợp tác và 7 hộ kinh doanh, trong đó có: 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 33 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Không chỉ giúp giới thiệu sản vật trong tỉnh đến với nhiều người biết hơn, việc phát triển doanh nghiệp theo quy chuẩn, sản xuất các sản vật chất lượng còn giúp thay đổi cuộc sống của nhiều nông dân nghèo. 

Tiên phong làm chè sạch

Người dân thường truyền miệng câu “chè Thái gái Tuyên” như một lời khẳng định cho chất lượng chè ở Thái Nguyên. Thế nhưng, ở Tuyên Quang cũng trồng được rất nhiều giống chè ngon, nức tiếng gần xa. 

Anh Nguyễn Công Sử - Giám đốc hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh, thôn Tân Thành, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn tâm sự: “Tuyên Quang có nhiều có rất nhiều đặc sản, nhưng lại không có thứ thật sự đặc biệt để thu hút du khách. May mắn được sinh ra ở vùng chè Mỹ Lâm,  nơi mà những thế hệ khác đã trồng và phát triển rất tốt sản phẩm này, tôi nhìn thấy tiềm năng từ cây chè. Trước đây, người dân chưa làm ra được những sản phẩm mang tính chất đặc thù. Cũng bởi “máu nhà nông” mà tôi muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa, vừa giúp đời sống của người dân đi lên, vừa gây dựng thương hiệu chè tại quê mình”. 

 

Khu vực đồi chè ở Yên Sơn – Tuyên Quang (Ảnh: Mai Trang) 

“Tôi vẫn đau đáu câu hỏi: Tại sao chỉ ở Thái Nguyên nổi tiếng bởi chè, trong khi đó Tuyên Quang cũng có diện tích trồng chè rất lớn, chất lượng cũng toàn “hàng tuyển”. Bởi vậy, tôi cùng những người trong HTX mới cố gắng xây dựng thương hiệu riêng cho mình, sau đó là “ghi danh” cho vùng chè Mỹ Lâm”, anh Sử chia sẻ.

 Những đồi chè xanh được nông dân trồng và thu hoạch hoàn toàn thủ công. (Ảnh: Mai Trang) 

Dựng xây sự nghiệp ở tuổi trung niên, anh Sử xác định con đường đi cho mình là làm chè sạch, an toàn và bài bản. “Khi mình bắt đầu làm, mọi khâu từ chọn giống, phân bón, cách chăm sóc và thành phẩm đều được giám sát và chọn lọc. Các khâu theo một quy trình khép kín từ bắt đầu trồng, chăm sóc đến chế biến thành phẩm để đến tay người tiêu dùng thì mới đảm bảo chất lượng, an toàn, ổn định sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó gây dựng tiếng vang cho chè  ở khu vực này”.

 Nhiều doanh nghiệp góp phần xây dựng thương hiệu chè Tuyên Quang. (Ảnh: Mai Trang) 

Ngọc Thuý là giống chè được hợp tác xã Sử Anh lựa chọn để trồng và phát triển. Đây là giống chè được nhập khẩu từ Đài Loan. Chè có màu vàng đặc trưng, bóng sáng, thanh khiết, thơm như mùi trái cây, thoảng mùi sữa tươi, mùi quý phái của hoa quế, thêm vị ngọt, một ít vị chát kiêu sa. Khi mới dùng sẽ thấy vị đắng, chát, nhưng hậu vị ngọt thanh mang đến cảm giác hài hoà, một dư âm dài lâu. Chè giúp thanh lọc cơ thể, giảm cholesterol, tốt cho tim mạch, nâng cao hệ miễn dịch, tốt cho sức khỏe.

Vượt qua những khó khăn trong những bước đầu lập nghiệp đến nay, HTX Sử Anh đã có 60ha trồng chè, trong đó có 20ha là chè đặc sản. Sản lượng bình quân trên 86.000kg/năm chè tươi và 17.400kg/năm chè khô. Đồng thời, HTX có 7 thành viên chính thức, thành viên liên kết đã có trên 100 hộ. Đây là những vùng chè được HTX bao tiêu nguyên liệu. Hàng năm, doanh thu từ sản xuất chè búp tươi, chế biến chè trên 5,75 tỷ đồng, trong đó: Nguyên liệu chè búp tươi giá trị trên 3,75 tỷ đồng và chế biến chè đặc sản trên 2 tỷ đồng.

“Trong quá trình khởi nghiệp, có những kỷ niệm đối với tôi có lẽ cả đời sẽ không quên. Tôi rất thích nghiên cứu, tìm tòi để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, có sự khác biệt và cạnh tranh trên thị trường. Một trong những niềm tự hào của tôi là sản phẩm chè cấp đông. Sau nhiều lần thất bại, phải đổ bỏ đi nhiều thì cuối cùng tôi đã thành công. Năm 2021, chúng tôi tham gia chương trình sáng tạo khoa học của tỉnh Tuyên Quang và cũng không ngờ sản phẩm này được đoạt được giải nhì. Đây cũng là nguồn động viên cho tôi tiếp tục nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao được người tiêu dùng tại những thị trường khó tính chấp nhận. Nhưng trên hết là nâng cao giá trị sản phẩm và nâng cao cái thu nhập cho đơn vị” – Anh Sử tự hào kể. 

Đổi đời nhờ chè VietGAP

Một hướng đi mới với cây chè tại Tuyên Quang cũng được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua là việc chuyển sang trông chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Ninh Văn Tuyên - Phó Giám đốc HTX Chè xanh Làng Bát, Hàm Yên, Tuyên Quang tâm sự: “Trước đây, cuộc sống của tôi cũng như những người nông dân khác nói chung là vất vả. Thu nhập chỉ bình bình, không dành dụm được nhiều. Từ khi trồng chè VietGAP, thu nhập đã ổn định và cuộc sống khấm khá hơn nhiều. Từ đó mình đã nâng cấp được nhà xưởng, cải tiến cơ sở sản xuất, mua được các thiết bị hiện đại với giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Bình quân mỗi tháng tôi thu về 15 - 20 triệu đồng, con số khá cao so với thu nhập của nông dân ở vùng núi. Việc liên kết còn giúp sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn, bán được giá hơn và đầu ra cũng đảm bảo hơn”. 

 Nhiều nông dân đã chuyển đổi từ trồng chè truyền thống sang chuẩn VietGAP. (Ảnh: Mai Trang) 

Nông dân trồng chè lâu năm Bàng Minh Hạnh, Yên Sơn, Tuyên Quang trải lòng: “Trước khi tham gia trồng chè theo đúng quy chuẩn VietGAP, tôi cũng là nông dân trồng chè truyền thống như đa số người dân trong vùng. Từ khi trồng chè sạch và theo quy chuẩn, đầu ra của sản phẩm ổn định hơn, được thị trường ưa chuộng và cuộc sống cũng khá dần lên”.

Dù vất vả hơn, thế nhưng giá thành sản phẩm đầu ra như động lực để anh tiếp tục con đường trồng chè sạch của mình. “Đây vùng này, người dân thường làm đa ngành nghề, mỗi thứ một tí không phải như công nhân ở nông trường. Người dân ở đây hiện cuộc sống cũng đang tốt dần lên nhờ trồng chè chuẩn mới. Có gia đình trồng chè VietGAP, có 2 vợ chồng và 2 đứa con mỗi tháng cũng thu về 9-10 triệu đồng, chưa kể thu nhập khác thêm vào nữa thì đời sống cũng khá ổn. Giúp đỡ được nhiều người, mình cũng thấy rất vui. Có nhiều người làm chè đã xây được nhà, còn mình chưa có nhà ấy” – anh Hạnh phấn khởi chia sẻ.

Với cuộc sống ngày càng ổn định, nhiều nông dân đã yên tâm làm việc và gắn bó với nghề, với doanh nghiệp. Những người tiên phong phát triển những vùng nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, đúng quy chuẩn sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp bền vững. Hy vọng trong tương lai, Tuyên Quang sẽ tiếp tục có những sản phẩm mới để thay đổi diện mạo của địa phương miền núi phía Bắc này.