Nông sản Việt hướng tới chinh phục thị trường Nhật Bản

17:16 | 17/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để chinh phục được thị trường chất lượng cao Nhật Bản, nông sản Việt đang từng bước chuyển hướng tiếp cận, quảng bá sản phẩm tại thị trường này, trong đó, vải thiều Lục Ngạn vừa nhận tin vui.
Sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật
 
 
Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật vừa cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật.
 
Trước đó, vải thiều tỉnh Bắc Giang cũng được bảo hộ thành công nhãn hiệu tại nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới.
 
 
Nông sản Việt hướng tới chinh phục thị trường Nhật Bản - ảnh 1
Vải thiều Lục Ngạn được nhiều người ưa chuộng.
 
Việc Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn đã khẳng định chất lượng vải thiều Lục Ngạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là thị trường "khó tính" như Nhật. Việc được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác.
 
Toàn huyện Lục Ngạn hiện có hơn 15.000 ha vải thiều, tập trung tại các xã như Hồng Giang, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn. Trong đó, nhiều diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ… giúp sản phẩm vừa có mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, vải ra hoa đạt tỷ lệ hơn 90%, sinh trưởng phát triển tốt, người dân đang tập trung các biện pháp chăm sóc để vải đậu quả.
 
Vụ sản xuất năm 2021, diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt khoảng 28.000 ha. Trong đó, diện tích vải sớm gần 7.000 ha, vải chính vụ hơn 21.000 ha; sản lượng dự kiến đạt khoảng 160.000 tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến đạt trên 15.000 ha; vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP diện tích 338 ha.
 
Vụ vải thiều năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản đạt tổng sản lượng khoảng 200 tấn vải.
 
Năm nay, đối với thị trường Nhật, Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo sản xuất 19 mã số vùng trồng đã được cấp năm 2020; đồng thời rà soát mở rộng thêm một số vùng, nâng tổng diện tích vùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 130 ha. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đang đánh giá, thẩm định để cấp mã số vùng trong thời gian tới.
 
 
Quảng bá nông sản, thực phẩm Việt Nam tại triển lãm quốc tế ở Nhật Bản
 
 
Triển lãm Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế lần thứ 46 (Foodex Japan 2021)vừa được khai mạc tại tỉnh Chiba (Nhật Bản), với sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
 
Nông sản Việt hướng tới chinh phục thị trường Nhật Bản - ảnh 2
Các đối tác nước ngoài tìm hiểu về nông sản và thực phẩm tại gian hàng quốc gia Việt Nam.
 
Trong những năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam thường tổ chức đoàn doanh nghiệp sang tham gia trưng bày hàng hóa tại Foodex Japan và trực tiếp tiến hành giao thương với các đối tác Nhật Bản.
 
Tuy nhiên, năm 2021, việc đi lại giữa các quốc gia vẫn gặp khó khăn do tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không thể sang Nhật Bản để tham dự triển lãm.
 
Mặc dù vậy, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản vẫn vận động các doanh nghiệp trong nước thu xếp để trưng bày sản phẩm của mình tại khu gian hàng quốc gia Việt Nam nhằm quảng bá sản phẩm trong nước với bạn bè quốc tế và duy trì vị thế thương hiệu hàng Việt Nam tại Nhật Bản.
 
Với sự vận động tích cực đó, gần 20 doanh nghiệp trong nước đã gửi sản phẩm sang Nhật Bản để trưng bày tại triển lãm này. Các sản phẩm được trưng bày rất đa dạng, từ bún, miến, phở khô, trái cây, bánh trứng, hạt điều cho đến các loại gia vị hữu cơ, nước mắm, cà phê...
 
Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không thể trực tiếp sang Nhật Bản để giao thương và giao dịch với các doanh nghiệp nước này. Do vậy, chúng tôi tham dự Foodex Japan 2021 với hy vọng có cơ hội giới thiệu các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam với người tiêu dùng và nhà nhập khẩu Nhật Bản để tăng cường giao thương và kết nối hàng hóa giữa hai nước, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Việt Nam tại thị trường này”.
 
Đánh giá về các sản phẩm của Việt Nam, ông Jorge Imai, Chủ tịch Công ty TNHH Imai – một công ty chuyên nhập khẩu thực phẩm và đồ uống nước ngoài, cho biết các sản phẩm của Việt Nam khá phù hợp với người dân Nhật Bản, nhất là phụ nữ, bởi vì các món ăn như phở không nhiều calo và có lợi cho sức khỏe.
 
Bên cạnh đó, các sản phẩm Việt Nam rất đa dạng và có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, do những khác biệt về quy định an toàn thực phẩm giữa Việt Nam và Nhật Bản nên nếu trong quá trình sản xuất, các công ty Việt Nam có sự điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Nhật Bản, các sản phẩm đó hoàn toàn có thể xâm nhập vào thị trường này.
 
Được tổ chức lần đầu vào năm 1976, Foodex Japan là triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm và đồ uống lớn nhất Nhật Bản.
 
Sự kiện này thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trên khắp thế giới vì đây là cơ hội để quảng bá và thúc đẩy xuất khẩu nông sản và thực phẩm sang thị trường Nhật Bản. Các quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc thường xuyên có đại diện tham gia sự kiện này.
 
Năm 2019, sự kiện này đã thu hút 3.316 công ty đến từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia triển lãm, 80.426 lượt khách đã đến tham quan và tìm kiếm đối tác.
 
Chuyển hướng để thích ứng
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hai tháng đầu năm 2021 cả nước ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt khoảng 3,14 tỷ USD, tăng 19,0%; nhóm chăn nuôi đạt 52 triệu USD, tăng 13,8%; thủy sản đạt hơn một tỷ USD, tăng 0,7% và nhóm lâm sản chính đạt hơn 2,6 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm 2020. Về thị trường xuất khẩu, hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 33,05% thị phần. Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 1,88 triệu USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ và chiếm 30,53% thị phần; EU đạt 594 triệu USD; Nhật Bản đạt 573 triệu USD, tăng 15,5%; Hàn Quốc đạt khoảng 410 triệu USD, tăng 18%...
 
Ngoài kết quả dễ nhận thấy là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tác động tiêu cực đến giao thương hàng hóa trên toàn cầu, thì một điểm nhấn đáng chú ý chính là Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cùng với những con số tăng trưởng kim ngạch mạnh mẽ tại các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc..., điều này cho thấy ngành nông nghiệp nước ta đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ để tiếp cận và chinh phục các thị trường chất lượng cao; chủ động mở rộng thị trường, hạn chế phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.
 
Ðồng thời, kết quả trên cũng chứng tỏ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam thật sự có uy tín, khẳng định được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có thị trường chất lượng cao Nhật Bản.
 
Để đa dạng mặt hàng nông nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản..., Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, điều tiên quyết vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt để đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP..., cũng như các chứng nhận mang tính riêng biệt của từng quốc gia nhập khẩu.
 
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ nét về thuế quan cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Việc tập trung thực hiện các tiêu chí chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm chắc chắn là sự đầu tư đáng giá để ngành nông nghiệp sinh lời hơn nữa trong tương lai.
 
Minh Hoa