Nữ doanh nhân tuổi Hợi tạo thích ứng cho mô hình nông trại hữu cơ
“Đi vòng” là cách nói thú vị mà doanh nhân Thu Thủy chia sẻ về chặng đường không ít gập ghềnh cho sự lựa chọn xây dựng mô hình nông trại hữu cơ của mình. Đó là cách đi của một kỹ sư công nghệ “rẽ trái” đi làm nông nghiệp hữu cơ.
Cái duyên gắn với nông nghiệp sạch của chị xuất phát từ tình bạn với một tiến sĩ ngôn ngữ người Czech - người có nhiều gắn bó với dân tộc Việt. Câu hỏi của người bạn Czech về việc tại sao sản phẩm nông nghiệp đặc sản của đồng bào dân tộc ăn rất ngon mà không phát triển để đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước đã khiến Thu Thủy trăn trở và nung nấu quyết tâm theo đuổi việc khôi phục lại cách sản xuất nông nghiệp truyền thống từ bao đời của cha ông xưa.
Rất tình cờ, ý tưởng xây dựng mô hình nông trại hữu cơ của chị trùng hợp với một người bạn cũng là dân công nghệ - kỹ sư Bùi Thiên Trưởng. Cả hai đều cho rằng, chỉ có nuôi trồng không sử dụng hóa chất, chất kích thích mới đảm bảo 100% về chất lượng.
Chị tâm niệm làm nông nghiệp hữu cơ không nhất thiết phải học đúng chuyên ngành mới làm được. Thời đại 4.0 có thể giúp họ học rất chi tiết trên mạng và điều quan trọng là thực tế sẽ chỉ dẫn. Vậy là, những thứ tưởng như “chả có gì liên quan” giữa học công nghệ và làm nông sản hữu cơ lại là một điểm cộng trên hành trình mà chị đi.
Học hỏi và rút kinh nghiệm không ngừng nghỉ, đặc biệt là nhiệt huyết luôn cháy trong trái tim tuổi trẻ, nữ doanh nhân Thu Thủy đã lặn lội lên Mộc Châu để thuyết phục các bạn trẻ biết tiếng Kinh trên đó hợp tác làm cho mình, với tâm niệm mọi thứ đều phải “hết sức từ từ”. Chị đã lập Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Mộc Châu, tự làm theo cách cũng “rất ngược” là xây dựng mô hình thu nhỏ tại Hà Nội trước để chứng minh cho đồng bào thấy hữu cơ là có sức sống và có tương lai.
Tại Hà Nội, chị đã kết hợp với một đơn vị bộ đội ở Gia Lâm nuôi trồng hữu cơ tại khu đất của đơn vị đó. Chị đưa kỹ thuật với giống, phân bón (phân giun) vào, đơn vị bộ đội canh tác. Phần gia tăng sản xuất của đơn vị bộ đội, chị thu mua. Thành công đến ngay từ những ngày đầu. Tất cả các sản phẩm thu mua lại của chị đều bán hết veo tại vườn mà không cần thuê cửa hàng, quảng cáo. Chị đã giới thiệu sản phẩm và bán hàng qua các cộng đồng trên mạng - điều mà không phải ai cũng có thể dễ dàng làm được nếu không phải là dân sành công nghệ.
Khi mô hình tại Hà Nội thành công, Thu Thủy đã thuyết phục được các bạn trẻ đồng bào dân tộc. Họ nói với chị, từ khi gặp chị, nghe chị nói, nhìn đâu họ cũng thấy có thể “tạo ra tiền”. Chị bắt đầu khôi phục lại giống lúa từ thời cha ông xưa đã cấy trồng tại Mộc Châu, cung cấp phân giun và thậm chí ứng trước tiền công cho đồng bào sản xuất.
Người mẹ trẻ với hai con còn rất nhỏ nhưng sự ủng hộ của ông xã chị đã giúp chị theo đuổi không biết mệt mỏi mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình trang trại hữu cơ của mình. Chị kể về những thất bại do nước ngập cả một khu đất 4000 m2 do vỡ đập tại Lào vào năm 2018, đến nay nước còn chưa rút. Giống và công canh tác cũng ngập mất theo nước. Chị cũng kể về những khó khăn không nhỏ trong việc tiếp tục chọn lựa nơi canh tác tại Mộc Châu hiện nay.
Nhưng không gì có thể giấu được niềm vui thành công chị vừa gặt hái được, để từ đó, chị tự tin hơn cho mọi dự định sắp tới của mình.
“Càng mở rộng cộng đồng, mình sẽ càng mở rộng thêm vườn. Mình tìm đến chính những người họ đang tìm mình, đó là sự thích ứng với công nghệ số mà mình có được. Có nghĩa, mình đã đi đúng ngành nghề rồi đấy. Mình sử dụng công nghệ để đi đường vòng và mình đã tìm thấy người làm nông sản hữu cơ đích thực trong mình”, Thu Thủy tự tin.
Với lượng rau lúc nào cũng thiếu để bán, Thu Thủy và cộng sự Thiên Trưởng đang xây dựng mô hình trang trại hữu cơ tại Hòa Bình trên một khu quy hoạch khoảng hơn 15 ha. Nơi đây không chỉ trồng trọt mà cả chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm gà đồi và đón các du khách trải nghiệm thông qua kết hợp với Brother Land. Trang trại sẽ nuôi giun quế, đưa phân bò vào cho giun ăn tầm ba tháng, lấy lớp phân ở dưới giun thải ra để trồng rau. Đó gọi là phân hữu cơ.
Cùng với đó, lợn sẽ được nuôi từ giun, nuôi từ 6-7 tháng trộn nấu cùng với ngô, gạo sẽ cho thịt rất ngon. Trên Mộc Châu, Thu Thủy còn dự định sẽ kết hợp với bên đã có homestay sẵn nhưng chưa có trang trại, đồng thời, đầu tư thêm khu lưu trú để khách du lịch ở lại tại một số nơi đã có trang trại. Trục đường của Thu Thủy làm trang trại hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm sẽ là Hà Nội-Hòa Bình-Mộc Châu-Sơn La. Tại Mộc Châu, Thu Thủy đã có đồi chè trái tim. Đồng sự của Thu Thủy cũng đang có ý tưởng nhân rộng mô hình này ra Hà Giang và chị rất tâm đắc với ý tưởng này.
Đưa giống châu Âu về vẫn không… “sính ngoại”
Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của Cộng đồng châu Âu, Thu Thủy đã đưa giống từ châu Âu về. Nhưng sự nhập ngoại này, với chị, không phải là “sính ngoại”. Chị đã nhận ra sự tương đồng giữa cách gieo trồng tại châu Âu, một cách rất tự nhiên, giống như đồng bào dân tộc gieo trồng trước kia. Khí hậu Mộc Châu phù hợp tới 90% những hạt giống chị mang từ châu Âu về. Người Việt trong Cộng đồng châu Âu không chỉ đang chờ đợi mà còn thúc giục được cung cấp sớm sản phẩm nông sản gốc châu Âu của Thu Thủy.
Không thể cảm hứng nhất thời và đi một mình
Có lẽ, chính sự “không cần phải sáng tạo thêm” đó, chị đã được Unesco tại Việt Nam lựa chọn tham gia rất nhiều sự kiện liên quan đến khôi phục lại làng nghề truyền thống tại Việt Nam, đặc biệt là sự góp mặt thường xuyên của chị tại phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn gần Hồ Tây.
“Làm trang trại hữu cơ cũng như tham gia các hoạt động lưu giữ làng nghề truyền thống không thể cảm hứng nhất thời và đi một mình được, bởi như thế sẽ không thể đi nhanh hoặc đi xa. Lần đi châu Âu này, mình sẽ mang sản phẩm của mình cùng với một số bạn khác trong Câu lạc bộ nông nghiệp sạch đi để giới thiệu. Sản phẩm mà mình mang đi không đơn thuần là sản phẩm mà là một câu chuyện đằng sau nó. Hãy cứ kết nối bằng trái tim, mình sẽ được nhận lại - thu hút được khách hàng về với trang trại hữu cơ của mình”.