Nước Thủ Dầu Một (TDM) lãi gần 189 tỷ sau hơn nửa năm, hoạt động M&A sẽ giúp thu lợi trong dài hạn

Lạc Lạc 14:14 | 07/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong ước tính kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2023 vừa công bố, CTCP Nước Thủ Dầu Một (mã: TDM) ghi nhận lãi sau thuế tăng tới 72% so với cùng kỳ, lên gần 189 tỷ đồng.

Hoàn thành hơn 60% kế hoạch năm sau 7 tháng

Tính riêng tháng 7, TDM  đem về hơn 26 tỷ đồng doanh thu và 5,4 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 50% và 75% so với tháng trước. Đây cũng là mức lợi nhuận tháng thấp nhất của công ty từ đầu năm 2023 đến nay.

Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2023, TDM có sản lượng nước tiêu thụ gần 37,6 triệu m3, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ và đạt 49% kế hoạch năm. Tổng doanh thu tăng mạnh 31% lên gần 357 tỷ đồng và bằng 56% kế hoạch năm, trong đó doanh thu sản xuất nước vẫn giữ vai trò chủ đạo với gần 260 tỷ đồng (chiếm 73%).

Trong kỳ, "điểm sáng" hoạt động tài chính với 97 tỷ là yếu tố giúp doanh thu tăng mạnh, tăng gấp 60 lần cùng kỳ năm 2022. Đây là khoản cổ tức TDM nhận được từ CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã: BWE), trong khi năm trước đến quý IV mới được nhận.

Sau cùng, TDM báo lãi sau thuế 7 tháng đầu năm gần 189 tỷ đồng, cao hơn 72% cùng kỳ 2022 và thực hiện được 63% kế hoạch lợi nhuận năm.

Năm 2023, TDM đặt kế hoạch 527 tỷ đồng doanh thu thuần và 298 tỷ đồng lãi sau thuế. Sau 7 tháng, ước tính TDM đã thực hiện được 68% kế hoạch doanh thu và 63% mục tiêu lợi nhuận năm.

Hoạt động M&A là động lực cho sự tăng trưởng dài hạn

Tính đến cuối quý II, TDM đã đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng vào các công ty liên doanh và liên kết, chiếm 47% tổng tài sản. Khoản đầu tư lớn nhất của công ty là 1.060 tỷ đồng vào BWE (TDM hiện sở hữu 37,42% vốn); TDM cũng mua lại CTCP Cấp nước Gia Tân (TDM sở hữu 20% vốn), với khoản đầu tư 82 tỷ đồng. Trên thực tế, TDM, BWE và các đơn vị liên quan sở hữu 57,8% cổ phần của CTCP Cấp nước Gia Tân.

Trong báo cáo phân tích giữa tháng 7 vừa qua, Chứng khoán SSI Research cho rằng TDM là doanh nghiệp cung cấp nước sạch hoạt động hiệu quả nhờ tỷ lệ thất thoát nước thấp với nguồn nguyên liệu ổn định từ cả sông Đồng Nai và hồ Phước Hòa. Hoạt động M&A sẽ giúp công ty đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn xu hướng của ngành, đặc biệt là ở tỉnh Bình Dương, vốn có mức tăng trưởng không còn nhiều.

Đơn vị chứng khoán cũng dự báo lượng nước tiêu thụ của TDM sẽ đạt 72,3 triệu m3. Sản lượng tiêu thụ tại Nhà máy nước Dĩ An sẽ đóng góp 83% tổng sản lượng tiêu thụ, đạt 60,3 triệu m3

Sản lượng tiêu thụ tại Nhà máy nước Bàu Bàng sẽ đạt 12 triệu m3/năm, chiếm 17% tổng lượng nước tiêu thụ) khi khu công nghiệp VSIP 3 cho thuê 180 ha đất trong giai đoạn 2022-2023.

 

 Ảnh:SSI Research, TDM

 

 

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, SSI  Research cho rằng lợi nhuận ròng của TDM sẽ giảm 12% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2023 do khấu hao tăng liên quan đến khoản đầu tư đường ống mới vào nhà máy Bàu Bàng. Trong 6 tháng đầu năm, DCM đã rót 56 tỷ đồng vào dự án tuyến ống D2500 Nhà máy nước Bàu Bàng – Giai đoạn 2.

Sau đó, mức tiêu thụ nước của khách khu công nghiệp có thể tăng lên từ quý IV. Ngoài ra, nhà máy Bàu Bàng dự kiến sẽ vượt 10% nhu cầu trung bình của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2022-2025 và phục vụ nhu cầu trong tương lai của KCN và đô thị Bàu Bàng, cùng với các khách hàng khu công nghiệp mới tại VSIP III. Về lâu dài, công ty chứng khoán kỳ vọng hoạt động M&A nhà máy nước Gia Tân - Đồng Nai và CTCP Cấp nước Cần Thơ sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính do tăng trưởng nhu cầu tại tỉnh Bình Dương giảm tốc.

Do đó, công ty chứng khoán dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của TDM trong năm 2023 lần lượt đạt 497 tỷ đồng và 283 tỷ đồng, tăng 3,4% và 28,5% so với năm 2022. 

 Ảnh: Trang Mai tổng hợp