Kinh doanh dần hồi phục, doanh thu tháng 7 của Sao Ta (FMC) cao nhất từ đầu năm

Lạc Lạc 10:49 | 02/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong ước tính kết quả kinh doanh tháng vừa công bố, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) ghi nhận với doanh thu đạt 21,3 triệu USD, là mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Kết quả cao nhất từ đầu năm

Cụ thể, trong tháng 7, mảng tôm của FMC tăng trưởng đáng kể về sản lượng lẫn tiêu thụ. Sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.338 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm khoảng 2.513 tấn, là mức cao nhất trong 2 năm qua.

Còn mảng nông sản có sự suy giảm đáng kể so với cùng kỳ. Sản xuất nông sản thành phẩm đạt khoảng 66 tấn, giảm 46% và sản lượng tiêu thụ thành phẩm khoảng 187 tấn, giảm 38% so với cùng kỳ.

Theo ước tính của FMC, doanh số tháng 7 đạt 21,3 triệu USD, là mức cao nhất kể từ tháng 8/2022 đến nay. Điều này đã đúng với nhận định của TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT FMC khi trả lời Báo Sóc Trăng: "Từ tháng 7 này các doanh nghiệp chế biến sẽ phải "chạy" để kịp hoàn thành kế hoạch năm hay chí ít cũng không để sụt giảm mạnh doanh số và lợi nhuận so với năm 2022". Cơ sở để các doanh nghiệp tự tin bước vào giai đoạn tăng tốc xuất khẩu chính là mức sụt giảm xuất khẩu giảm dần qua các tháng và ở tháng 6 vừa qua đã có sự chuyển động đi lên đáng kể.

 

Về tình hình nuôi tôm, FMC cho biết đã thả giống xong khu mới, trong khi khu cũ đang thả giống vụ hai và dự kiến hoàn tất vào ngày 5/8 tới. 

 Sao Ta ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: Sao Ta

Giải quyết 'bài toán khó' tôm giống

Cũng theo ông Lực, vấn đề lớn hiện nay của ngành chăn nuôi tôm là chất lượng và giá thành tôm giống. “Các trại cung ứng giống phải bảo đảm con giống sạch bệnh và cơ quan chức năng phải kiểm soát tôm giống chất lượng thấp không “trôi nổi” trên thị trường. Không phải dồn cái khó cho mắt xích cung ứng con giống, nhưng bây giờ vai trò con giống trở thành quá quan trọng”, ông Lực nêu quan điểm tại tọa đàm “Vì một ngành tôm phát triển bền vững” chiều 24/5.

Cũng tại toạ đàm, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung cho rằng, có 3 vấn đề đặt ra của ngành tôm lúc này. Đầu tiên là làm sao để nâng cao tỷ lệ thành công trong nuôi tôm với thực trạng như hiện nay, tiếp đó cần kiểm soát tốt chất lượng, giá thành sản phẩm trong nuôi tôm và cuối cùng là quản lý và kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị tôm Việt Nam.

Nói về tôm giống, ông Hoàng Anh cho biết, còn quá trìu tượng với con tôm giống sinh lời. Thực tế, tỷ lệ giá trị của tôm giống chỉ chiếm từ 5-7% giá thành trong một vụ nuôi thành công, nhưng nó lại quyết định nhiều chục % trong cấu thành thành công của một vụ nuôi.

Chia sẻ từ bản thân doanh nghiệp mình, ông Hoàng Anh cho biết, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung chuyên sản xuất tôm giống, nhưng 3 năm nay phải bù lỗ từ hoạt động của mảng khác.

"Doanh nghiệp nào cũng muốn chủ động con giống tôm nhưng không phải vùng nào của Việt Nam cũng có lợi thế tự nhiên về sản xuất con giống. Nên tập trung cho vùng có thế mạnh" – ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Cũng chính vấn đề giá tôm giống cao đang làm hạ vị thế cạnh tranh của tôm Việt. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm 2023, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) cho biết giá thành tôm nuôi ở Ấn Độ rất thấp chỉ 3,4 - 3,8 USD/kg, tại Ecuador còn thấp hơn chỉ 2,2 - 2,4 USD/kg, còn giá tôm nuôi ở Việt Nam từ 4,8 - 5 USD/kg. Điều này khiến cho mặt hàng tôm của Việt Nam nói chung và của Thuỷ sản Minh Phú nói riêng không bán được hàng.

Ông Lê Văn Quang nhấn mạnh, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho Thuỷ sản Minh Phú cũng như ngành tôm Việt Nam thì không còn con đường nào khác ngoài việc phải giảm được giá thành tôm nuôi xuống bằng Ấn Độ, tiến tới là ngang bằng Ecuador.

Đề xuất một vài giải pháp, TS Hồ Quốc Lực cho rằng cần tìm ra được giải pháp cho sự tham gia của các mắt xích chuỗi giá trị con tôm, nhất là mắt xích con giống và chế biến tiêu thụ. Nhà cung ứng giống phải làm sạch lực lượng mình, thông qua thực thi bộ tiêu chí được thống nhất. Từ đó công khai những cơ sở uy tín có sản phẩm chất lượng để người nuôi có thể chọn lựa.

Phía nhà chế biến phải hỗ trợ thông tin tình hình thị trường, giá cả thế giới để các mắt xích còn lại tham khảo. Đồng thời nỗ lực tiết kiệm giảm giá thành, cố gắng tạo ra sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm có thêm thặng dư mua giá tôm thương phẩm tốt hơn. Ngoài ra là giảm thiểu mua tôm nguyên liệu từ nước ngoài, tập trung ủng hộ tôm thương phẩm trong nước.

Đồng bộ với các giải pháp trên là sự nỗ lực hơn của vai trò quản lý nhà nước. Việc quản lý kiểm soát, lưu thông, tiêu thụ tôm phải chặt chẽ, quyết liệt. Thậm chí cũng nên xem xét giá cả cung ứng của các yếu tố đầu vào nuôi tôm, quan trọng nhất là giá thức ăn. Dài hạn hơn là việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng các vùng nuôi trọng điểm.