Sản xuất công nghiệp của Đồng Nai cải thiện trong tháng 3, triển vọng tăng trưởng từ các dự án FDI

Thùy Dương 13:22 | 05/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong tháng 3, cả tỉnh Đồng Nai có có 26/27 ngành sản xuất tăng so tháng trước do một số doanh nghiệp quy mô lớn trong ngành da giày, dệt may có tình hình chuyển biến tốt hơn, nhận được hợp đồng sản xuất mới... Mặt khác, một số doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm các đơn hàng gia công lại để duy trì sản xuất và ổn định nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong thời gian chờ sản xuất đơn hàng lớn.

Doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đơn hàng, IIP tháng 3 của Đồng Nai có dấu hiệu tích cực

Theo báo cáo công bố chiều 3/4,  trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến không thuận lợi những tháng đầu năm, khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cả nước nói chung, tình hình sản xuất công nghiệp tỉnh Đồng Nai quý I/2023 cũng đối diện nhiều thách thức.

Có tình trạng đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp bị sụt giảm, sản phẩm tiêu thụ chậm, thiếu việc làm cho công nhân. Nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn như dệt, may, da giày, điện tử, sản xuất đồ gỗ,... phải cho công nhân nghỉ việc để giảm bớt gánh nặng.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ở các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh quý I so quý IV/2022, chỉ có 20,22% doanh nghiệp kinh doanh có xu hướng tăng lên, 39,4% doanh nghiệp giữ nguyên mức sản xuất, trong khi 40,44% doanh nghiệp tình hình sản xuất kinh doanh xấu đi.

Dù vậy, theo báo cáo, trong tháng 3, cả tỉnh có có 26/27 ngành sản xuất tăng so tháng trước do một số doanh nghiệp quy mô lớn có tình hình chuyển biến tốt hơn, nhận được hợp đồng sản xuất mới như giày da, dệt may...   Mặt khác, một số doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm các đơn hàng gia công lại để duy trì sản xuất và ổn định nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong thời gian chờ sản xuất đơn hàng lớn.

Theo đó, tính riêng tháng 3, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Đồng Nai tăng 4,02% so với tháng trước và tăng 6,96% svck, trong đó ngành khai khoáng tăng 10,65%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,61%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 12,1%.

 

Lũy kế quý I, dự ước IIP tăng 0,98% svck. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,91%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,06%, sản xuất và phân phối điện giảm 0,93%.

 

Dù có sự khởi sắc trong tháng 3, mức tăng IIP 0,98% của quý I năm nay được đánh giá là mức tăng thấp nhất svck nhiều năm qua của Đồng Nai, phản ánh những khó khăn trong sản xuất công nghiệp. Theo đó, có 18/27 ngành sản xuất tăng svck, do một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn duy trì được mức sản xuất là ngành chế biến thực phẩm có thị phần tiêu thụ trong nước ổn định, nhưng đây vẫn là mức tăng thấp. 

Bên cạnh đó, sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm nhu cầu sử dụng khá ốn định, nên chỉ số ngành này tăng 4,4% svck; ngành dệt tăng 1,2%, may mặc tăng 1,57% do ngành may mặc có thêm một số đơn hàng gia công. Các ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan ngành điện tử, sản xuất đồ gỗ tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng nên chỉ số giảm svck.

Chờ triển vọng sáng từ việc đẩy mạnh thu hút vốn FDI

Theo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, đến đầu tháng 2 vừa qua, các doanh nghiệp đã đầu tư gần 17,5 nghìn tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp trên địa bàn. Các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút hơn 2 nghìn dự án của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký là trên 30 tỷ USD.

Tính riêng tháng 1, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là gần 178 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,4 triệu USD và 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng gần 171,5 triệu USD.

Lũy kế đến hết quý I, các khu công nghiệp của Đồng Nai đã thu hút doanh nghiệp của 43 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với gần 1,4 nghìn dự án. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 28,6 tỷ USD, vốn thực hiện gần 22 tỷ USD. Dẫn đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai là Hàn Quốc, tiếp đến Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore.

Để tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn, Đồng Nai đã chuẩn bị thành lập 9 khu công nghiệp. Theo đó, 9 khu công nghiệp đã được quy hoạch đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục để thành lập gồm: Phước Bình, Phước Bình 2, Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp (huyện Long Thành); Cẩm Mỹ, Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ); Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) và Phước An (huyện Nhơn Trạch).