Ông Biden đề xuất kế hoạch huy động 2.000 tỷ USD từ giới nhà giàu để giải cứu nền kinh tế Mỹ
Ông Biden ngày 31/3 đã đề xuất chi tiêu khổng lồ trị giá 2.000 tỷ USD, huy động từ các công ty lớn và giới nhà giàu của Mỹ để định hình lại nền kinh tế lớn nhất thế giới và chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Kế hoạch này cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm với mức lương cao cho tầng lớp trung lưu của Hoa Kỳ.
Trong bài phát biểu tại thành phố Pittsburgh, Tổng thống Biden khẳng định sự cấp bách phải thông qua "Kế hoạch Việc làm cho người Mỹ" nhằm đại tu một nền kinh tế "méo mó và không công bằng," cũng như giúp Mỹ cạnh tranh với các quốc gia đang nổi lên khác.
“Đó là khoản đầu tư chỉ có một lần ở Mỹ, không giống như bất cứ điều gì chúng tôi đã thấy hoặc làm kể từ khi chúng tôi xây dựng hệ thống đường cao tốc giữa các tiểu bang và cuộc đua không gian cách đây nhiều thập kỷ”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Ông Biden khẳng định kế hoạch này sẽ giúp tạo ra hàng triệu việc làm cho người Mỹ.
Kế hoạch dài 8 năm của ông Biden sẽ dành hơn 600 tỷ USD để xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Mỹ, chẳng hạn như cảng, đường sắt, cầu và đường cao tốc; khoảng 300 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất trong nước; và hơn 200 tỷ đô la cho cơ sở hạ tầng nhà ở. Ngoài ra còn có 1 số khoản chi tiêu khác như đầu tư hệ thống băng thông rộng quốc gia, hiện đại hóa lưới điện, nâng cấp trường học và cơ sở giáo dục, đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển, và đảm bảo nguồn nước uống của Mỹ được an toàn, đặc biệt là với Trung Quốc.
Đáng lưu ý, gói đầu tư hạ tầng mới mà ông Biden đề xuất sẽ lấy một phần từ việc tăng thuế các doanh nghiệp từ 21% lên 28%, và siết chặt nạn trốn thuế.
Tổng thống Mỹ cho biết ông không chống đối các triệu phú và tỉ phú Mỹ, nhưng cho rằng việc các công ty lớn không đóng đồng thuế nào cho chính phủ là không công bằng.
Ông dẫn một khảo sát cho thấy 91 công ty trong số 500 công ty lớn nhất thế giới, "những công ty lớn nhất thế giới, bao gồm Amazon… không trả một đồng thuế thu nhập liên bang nào".
"Điều đó là sai. Giáo viên và lính cứu hỏa đóng 22%, còn Amazon và 90 tập đoàn lớn khác trả 0% thuế liên bang? Tôi sẽ chấm dứt điều đó", ông nói.
Theo AP, việc chi tiền cho hạ tầng có thể đem lại tăng trưởng kinh tế, nhưng đem lại tăng trưởng bao nhiêu thì vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. Chẳng hạn, thời gian di chuyển hoặc vận tải hàng hóa sẽ được rút ngắn, y tế cộng đồng sẽ được cải thiện, còn các công việc ngành xây dựng sẽ thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.
Nhưng chính quyền Biden cũng đang cẩn trọng. Sau gói cứu trợ 1.900 tỷ USD vừa thông qua và tổng cộng 4.000 tỷ USD tiền cứu trợ của năm ngoái, chính quyền Biden đang cố gắng không làm nợ công tăng lên nữa, vì như vậy sẽ tăng lãi suất, làm nợ khó trả hơn.
Các nghị sĩ Đảng Dân chủ muốn kế hoạch được thông qua vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, số tiền khổng lồ dự kiến sẽ tiếp tục bị các nghị sỹ của Đảng Cộng hòa phản đối bởi lo ngại nó sẽ làm tăng thuế và nợ quốc gia.
H.A