Ông Biden "mở rộng lệnh của ông Trump", cấm nhà đầu tư Mỹ bỏ vốn vào 59 công ty Trung Quốc

11:47 | 04/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Washington đang cấm nhà đầu tư Mỹ bỏ vốn vào hàng chục công ty công nghệ giám sát và quốc phòng Trung Quốc, trong nỗ lực ngăn chặn vốn Mỹ bị Trung Quốc sử dụng để phá hoại an ninh quốc gia.

Ngày 3/6, Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp, cấm đầu tư vào 59 công ty, bao gồm cả các tập đoàn lớn của Trung Quốc như nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corporation, mà tình báo Mỹ cho là rất quan trọng đối với quân đội Trung Quốc.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 2.8. Nhưng các nhà đầu tư có thể thực hiện các giao dịch trong vòng 12 tháng tới để thoái vốn đang nắm giữ. Người Mỹ không bắt buộc phải thoái vốn chứng khoán, nhưng họ sẽ không thể bán số chứng khoán nắm giữ của mình sau thời hạn một năm mà không có sự chấp thuận đặc biệt của Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan sẽ giám sát lệnh cấm.

Sắc lệnh cấm đầu tư trực tiếp vào cả chứng khoán nợ và chứng khoán vốn, và cũng cấm người Mỹ đầu tư vào các quỹ có chứng khoán Trung Quốc trong danh mục đầu tư của họ.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết lệnh này sẽ đảm bảo rằng người Mỹ “không cấp vốn tổ hợp công nghiệp quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Ông nói thêm rằng nó được "xác định mục tiêu và có phạm vi để tối đa hóa tác động đến các mục tiêu trong khi giảm thiểu tác hại cho thị trường toàn cầu".

Ông Biden mở rộng lệnh của ông Trump, cấm nhà đầu tư Mỹ bỏ vốn vào 59 công ty Trung Quốc - ảnh 1

Ngày 3/6, Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp cấm đầu tư vào 59 công ty Trung Quốc. Ảnh: Independent.ie.

Lệnh cấm này đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền tổng thống Biden nhằm đưa ra lập trường ngày càng "diều hâu" đối với Trung Quốc về mọi mặt. Từ việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ đến hoạt động quân sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Nó diễn ra khi ông Biden chuẩn bị tới châu Âu để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Trung Quốc dự kiến ​​sẽ là một chủ đề thảo luận trong hội nghị.

Cựu tổng thống Donald Trump năm ngoái đã ban hành lệnh cấm đầu tư vào các công ty mà Lầu Năm Góc đưa vào danh sách các nhóm bị nghi ngờ có liên hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Nó gây ra sự hoang mang trong thị trường tài chính vì nó đi kèm với hướng dẫn thực thi không đầy đủ. Tòa án Mỹ sau đó cũng ra phán quyết rằng chính phủ đã không cung cấp đầy đủ bằng chứng trong một số trường hợp để biện minh cho việc đưa một công ty vào danh sách mục tiêu.

Một quan chức Mỹ cho biết lệnh của Tổng thống Biden sẽ đảm bảo rằng việc cấm đầu tư có cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn. Ông nói thêm rằng nó sẽ mở rộng lệnh của ông Trump để bao gồm cả các công ty giám sát, như Hikvision, bị cáo buộc giúp Bắc Kinh bức hại hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại tạm giam ở khu vực Tây Bắc Tân Cương.

Các công ty bị nhắm tới cũng bao gồm Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc, Tổng công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc và Tổng công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc. Danh sách này có thêm 3 công ty viễn thông lớn của Trung Quốc: China Mobile, China Telecom và China Unicom.

Cựu chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung của nghị viện Mỹ, người đứng đầu RWR Advisory Group, Roger Robinson cho biết: “Thoạt nhìn, đó là một danh sách khá bất thường về những công ty Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt thị trường vốn có vẻ như đã được duy trì và xây dựng trên cơ sở động lực từ chính quyền trước”.

Daniel Tannebaum, một đối tác tại OliverWyman, cho biết lệnh của ông Biden sẽ dễ thực hiện hơn lệnh kém rõ ràng mà ông Trump đã ban hành vào tháng 11/2020.

Tannebaum nói: “Nếu bạn muốn thử và buộc thay đổi hành vi, tước quyền tiếp cận vốn Mỹ không phải là một điểm khởi đầu tồi, nhưng hiện còn khoảng cách 2 tháng nữa để các hạn chế có hiệu lực trở lại".

Nhưng Marco Rubio, một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Florida, bày tỏ lo ngại rằng ông Biden đã tạo ra nhiều uy thế hơn cho Bộ Tài chính trong quá trình này.

Rubio nói: “Chúng tôi biết một thực tế rằng Phố Wall đang hỗ trợ tài chính cho nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm làm suy yếu và cuối cùng là thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ... Tôi rất lo ngại rằng Bộ Tài chính của Tổng thống Biden liên kết quá gần gũi với Phố Wall, để có thể thực hiện các hành động cần thiết nhằm ngăn chặn khoản tiết kiệm của Mỹ được sử dụng để tài trợ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Thị trường tài chính Mỹ không có nhiều động thái về tin tức này. Hai quỹ giao dịch trao đổi lớn cung cấp cho các nhà đầu tư Mỹ tiếp xúc với chứng khoán Trung Quốc là MSCI China ETF của iShares và ETF vốn hóa lớn của Trung Quốc, đóng cửa phiên giao dịch thấp hơn 2%, nhưng đã chịu hầu hết các khoản lỗ của họ trước khi chính sách được công bố.

Một số nhà phân tích cho rằng các thị trường biết rõ những động thái như vậy do thấu hiểu cách ông Trump đã đối phó với Trung Quốc như thế nào. Brian Bandsma, một nhà quản lý danh mục đầu tư của Vontobel nói: “Trump là con bò tót trong cửa hàng Trung Quốc. . . Nó sẽ không quay trở lại".

Cuối ngày 3/6, Lầu Năm Góc dự kiến ​​sẽ công bố phiên bản cập nhật danh sách các công ty Trung Quốc có quan hệ với PLA, sau khi nghị viện yêu cầu bộ quốc phòng cung cấp một danh sách mới mỗi năm. Nhưng một quan chức cấp cao cho biết danh sách của Lầu Năm Góc sẽ không liên quan đến việc cấm đầu tư được nêu trong lệnh hành pháp mới.

Quan chức này cho biết danh sách của Lầu Năm Góc sẽ giúp nó “linh hoạt trong việc thông báo công khai tới nhiều bên liên quan, về các công ty có nhiều mối liên hệ với các bộ phận khác nhau của chính phủ Trung Quốc”.

Tiệp Nguyễn (theo Financial Times)