Ông Đỗ Thanh Sơn quay về làm Phó Tổng giám đốc VietinBank

Đông Bắc 07:21 | 14/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank, mã chứng khoán: CTG) vừa bổ nhiệm ông Đỗ Thanh Sơn làm Phó Tổng giám đốc, kể từ ngày 11/10, thời hạn 5 năm.

 Ông Sơn vốn là nhân sự của VietinBank (Giám đốc Chi nhánh 11) trước khi được điều động về làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Đại dương (OceanBank) từ năm 2015. Thời điểm đó, sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank với giá 0 đồng, ông Sơn cùng một số nhân sự khác của VietinBank đã được cử sang tham gia quản trị, điều hành để tái cơ cấu OceanBank.

Như vậy, tính đến thời điểm này, sau khi bổ nhiệm thêm ông Sơn, VietinBank có tổng cộng 9 Phó tổng giám đốc. Trong đó ông Nguyễn Hoàng Dũng là Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành.

 

  Ông Đỗ Thanh Sơn làm Phó giám đốc Vietinbank. Ảnh CTG.

Suốt thời gian qua, hai khó khăn lớn nhất khi tái cơ cấu OceanBank là xử lý các khoản nợ và lỗ lũy kế. Tính đến cuối 2019, nhà băng này có khoản lỗ lũy kế hơn 17.900 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 4 năm gần đây, OceanBank đã có những cải thiện trong hoạt động kinh doanh, khi liên tục giảm lỗ lũy kế.

 Hiện nay, OceanBank đã được Chính phủ lên phương án xử lý và có thể sẽ được chuyển giao lại cho một ngân hàng khác.

Gần đây nhất, lãnh đạo của Ngân hàng Quân đội (MB) đã xuất hiện tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh của OceanBank năm nay và phát biểu về "việc hợp tác giữa hai bên".

Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch MB cho biết việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ.

Ông Thái cho hay, MB là một  trong 7 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mời nhận chuyển giao bắt buộc và phương án của MB được chọn. Việc nhận chuyển giao bắt buộc là để mở rộng không gian tăng trưởng cho MB, ngân hàng hoàn toàn tự nguyện, không bị bắt buộc.

Về giá chuyển nhượng, lãnh đạo MB khẳng định mức giá nhận chuyển giao là 0 đồng, tuy nhiên, ngân hàng phải xử lý lỗ lũy kế. Điều kiện mà MB đưa ra là ngân hàng chuyển giao bắt buộc có số lỗ lũy kế dưới 20.000 tỷ đồng.

Ông Lưu Trung Thái cho hay, để giải quyết số nợ lũy kế này, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho MB vay một khoản tiền lãi suất 0%.

Theo tính toán của MB,  ngân hàng chỉ mất 7-8 năm là có thể xử lý hết số lỗ lũy kế của ngân hàng chuyển giao bắt buộc. sau đó, ngân hàng này sẽ được xử lý theo 3 phương án: Sáp nhập vào MB để tăng quy mô tổng tài sản; bán cho nhà đầu tư khác hoặc IPO, thành lập một ngân hàng TMCP riêng.