Ông Nguyễn Văn Tuấn đã thoái sạch vốn tại Chứng khoán VIX
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuấn (em ruột bà Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch HĐQT VIX) và vợ ông Tuấn là bà Dương Thị Hồng Hạnh đã bán thành công lần lượt 87,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ sở hữu 15,02%) và 21,2 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ sở hữu 3,64%).
CTCP FTG Việt Nam (nơi chồng bà Tuyết là Tổng giám đốc) cũng đã bán 26,8 triệu cổ phiếu VIX (tương đương tỷ lệ sở hữu 4,61%).
Tổng khối lượng giao dịch của 3 cổ đông đạt 135,4 triệu cổ phiếu, chiếm đến gần 23,3% số lượng cổ phiếu lưu hành của công ty chứng khoán VIX.
Trước đó, 3 cổ đông này đã đăng ký thoái toàn bộ vốn tại VIX nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư. Thời gian thực hiện từ ngày 30/11 đến 29/12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Tạm tính theo giá chốt phiên 7/12 của mã VIX là 7.460 đồng/cổ phiếu, nhóm nhà đầu tư này đã thu về khoảng 1.010 tỷ đồng cho giao dịch thoái vốn kể trên. Trong đó ông Tuấn thu về 652 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn hiện là Tổng giám đốc Tập đoàn Gelex, Chủ tịch HĐQT Viglacera. Hiện ông cũng đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng khác trong hệ sinh thái này.
Trên thị trường, mã VIX ghi nhận khối lượng giao dịch tăng cao trong 1 tuần gần đây, bình quân đạt hơn 22 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Đáng chú ý, 2 phiên ngày 6-7/12 có tổng khối lượng giao dịch đột biến với hơn 76 triệu và hơn 50 triệu đơn vị. Sau 2 phiên giảm sàn, VIX đang tăng trần lên 7.980 đồng/cp vào phiên 8/12.
Theo báo cáo kết quả hoạt động riêng, trong quý III, Chứng khoán VIX ghi nhận kết quả kinh doanh với nhiều con số kém khả quan, đặc biệt là sụt giảm doanh thu ở tất cả các mảng trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều biến động.
Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động ghi nhận 182,3 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL (các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ) là 118 tỷ đồng, giảm 53,8%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu 28 tỷ đồng, giảm 38%. Doanh thu từ môi giới chứng khoán đạt 21,5 tỷ đồng, giảm 60%. Thu từ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán là 14 tỷ đồng, giảm 51%.
Chi phí hoạt động quý III của VIX giảm gần 63%, xuống còn 72,6 tỷ đồng.
Kết quả, trong quý, Chứng khoán VIX báo lãi trước thuế 102,4 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2021. Lãi ròng đạt 88 tỷ đồng, giảm 40%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của VIX đạt 950 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 415 tỷ đồng, giảm 28%.
Tính tới 30/9, tổng tài sản của VIX tăng 80% so với đầu năm lên 8.238 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn với hơn 8.214 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 2.025 tỷ đồng, tăng mạnh 25 lần từ đầu năm.
Sự tăng mạnh tổng tài sản chủ yếu đến từ FVTPL (tăng từ 1.600 tỷ đồng lên 4.685 tỷ đồng); Ngược lại, các khoản cho vay giảm từ 2.990 tỷ đồng trong quý III/2021 xuống còn 1.409 tỷ đồng trong quý III năm nay.
Theo thuyết minh, phần FVTPL tăng mạnh do trong 9 tháng đầu năm 2022, VIX đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết và trái phiếu chưa niêm yết. Cổ phiếu chưa niêm yết tăng từ 13 tỷ đồng lên 533 tỷ đồng. Phần này giúp công ty lãi 193 tỷ đồng. Trái phiếu chưa niêm yết tăng từ 880 tỷ đồng lên 2.941 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn mua thêm 178 tỷ đồng trái phiếu niêm yết trong khi đầu năm không ghi nhận. Phần cổ phiếu niêm yết cũng tăng từ 614 tỷ đồng lên 911 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm lập báo cáo khoản đầu tư này đã lỗ 72 tỷ đồng.
Đến hết quý III, VIX ghi nhận khoản nợ 272,5 tỷ đồng, giảm gần 72% từ đầu năm. Chủ yếu là nợ trái phiếu hơn 200 tỷ đồng, thuế 30 tỷ đồng và chi phí phải trả ngắn hạn 16 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 7.966 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm, VIX ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm tới 1.194 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 237 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư âm 447 triệu đồng. Bù lại, dòng tiền tài chính dương 3.139 tỷ đồng, chủ yếu là phát hành thêm cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu.