Ông Nguyễn Văn Tuấn đã mua khớp lệnh 10 triệu cổ phiếu GEX

Đông Bắc 08:10 | 25/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng Giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn đã mua 10 triệu cổ phiếu GEX như từng đăng ký vào cuối tháng 4, trị giá ước tính 220 tỷ đồng.

Theo tin từ Tập đoàn Gelex (Mã: GEX), Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn đã mua 10 triệu cổ phiếu GEX trong thời gian từ 4/5 đến 24/5 theo phương thức khớp lệnh.

Trước giao dịch, ông Tuấn sở hữu gần 192,3 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 22,58% vốn điều lệ của Gelex. Sau khi mua vào, ông Tuấn nâng tỷ lệ nắm giữ lên 23,75%.

Bà Đào Thị Lơ (mẹ ruột của ông Tuấn) và Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư GEX do bà Lơ làm Giám đốc cũng đang nắm giữ lượng đáng kể cổ phần tại Tập đoàn Gelex.

Tổng cộng nhóm cổ đông của ông Nguyễn Văn Tuấn đang sở hữu hơn 342 triệu cổ phiếu GEX, tương ứng tỷ lệ 40,13% như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương đang nắm giữ khoảng 1,3% tổng số cổ phiếu GEX đang lưu hành.

Sơ đồ giá cổ phiếu GEX thời gian qua.

Mới đây, GEX cho biết đã hoàn tất mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu có mã GEXH2124001. Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 19/5/2021, có kỳ hạn 3 năm, kéo dài đến ngày 19/5/2024 với lãi suất cố định là 8,5%/ năm với giá mua lại bằng mệnh giá trái phiếu (100 triệu đồng/trái phiếu) cộng với tiền lãi trái phiếu tính theo số ngày thực tế.

Kết thúc quý 1/2022, doanh thu của GEX đạt 8.682 tỷ đồng, đạt 24% mục tiêu cả năm và tăng trưởng 95% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 901 tỷ đồng, hoàn thành 34% kế hoạch năm.

Được biết, cổ đông GEX đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Gelex với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.618 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức cao, lần lượt 26% và 27% so với thực hiện năm 2021. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến năm 2022 tối đa 15% Vốn điều lệ.

Về định hướng phát triển, trong giai đoạn tiếp theo, Gelex chú trọng phát triển Sản xuất công nghiệp và Hạ tầng, qua đó, xác định cụ thể chiến lược phát triển trong từng lĩnh vực.

Đối với sản xuất công nghiệp, Tập đoàn định hướng các đơn vị đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ, phát triển sản phẩm mới cũng như tăng cường áp dụng công nghệ vào quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, thị phần, giữ vững vị thế là các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị điện.

Đối với lĩnh vực Hạ tầng, thông qua các đơn vị thành viên, Gelex tập trung đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp, bất động sản cho người có thu nhập thấp, phát triển và đầu tư các dự án năng lượng sạch, sản xuất kinh doanh nước, vật liệu xây dựng…, tiếp tục triển khai các dự án bất động sản thương mại đúng tiến độ, tối ưu hóa việc sử dụng quỹ đất của hệ thống nhằm tạo nguồn thu ổn định, vững chắc trong dài hạn.

Bên cạnh đó, Gelex tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi thông qua hoạt động M&A phù hợp.

Trong năm 2022 GEX sẽ thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch đối với cổ phần tại Gelex Hạ tầng và IPO, đăng ký niêm yết đối với cổ phần Gelex Electric trên cơ sở vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối, bổ sung nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu đầu tư chiến lược, đồng thời nâng cao hơn nữa tính minh bạch trong hoạt động của các đơn vị.

 

Kết phiên 24/5, giá cổ phiếu GEX dừng ở 21.700 đồng/cp, trong vùng thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2021 trở lại đây. Tạm tính theo mức giá này, ông Nguyễn Văn Tuấn đã phải chi khoảng 220 tỷ đồng để hoàn tất mua 10 triệu cổ phiếu nói trên.

So với ngày đầu năm, giá cổ phiếu GEX đã giảm khoảng 47%. Trong khi đó, cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera (công ty con của Gelex) cũng đã mất 25% giá trị.