Ông Phạm Văn Dũng: CEO người Việt chèo lái Ford Việt Nam lớn mạnh và đứng vững giữa ngành ô tô

07:30 | 24/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CEO Phạm Văn Dũng – Tổng giám đốc Ford người Việt đầu tiên là người chèo lái đưa hãng xe này nhiều năm bứt phá về doanh số.

CEO Ford Việt Nam Phạm Văn Dũng là ai?

Ngày 1 tháng 8 năm 2015, ông Phạm Văn Dũng chính thức được Ford công bố bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám Đốc Ford Việt Nam, chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho chủ tịch của Ford ASEAN - ông Mark Kaufman.

Trước ông Phạm Văn Dũng, tất cả các lãnh đạo tiền nhiệm đều là người của tập đoàn mẹ Ford (Hoa Kỳ). Đây chính là một sự thay đổi mang tính bước ngoặt của Ford Việt Nam khi lần đầu tiên người đứng đầu mang quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, ông Dũng sẽ thay thế Tổng Giám Đốc tiền nhiệm là ông Jesus Metelo Arias, người sẽ được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Đốc Tiếp Thị và Bán Hàng Dịch Vụ, Ford Châu Á Thái Bình Dương.

 Ông Phạm Văn Dũng: CEO người Việt chèo lái Ford Việt Nam lớn mạnh và đứng vững giữa ngành ô tô - ảnh 1

Chân dung CEO Ford Việt Nam, ông Phạm Văn Dũng.

Được biết, ông Phạm Văn Dũng sinh năm 1970. Ông tốt nghiệp  Trường Đại học Thương mại Việt Nam với bằng Cử nhân và bằng Thạc sĩ Kinh tế, sau đó là Trường Đại học Công nghệ Swinburn, Úc với bằng Thạc sĩ Tài chính.

Từ năm 1998, ông Dũng đã gia nhập Ford Việt Nam ở vị trí kế toán doanh nghiệp. Sau đó, ông tiếp tục giữ nhiều vị trí quan trọng liên quan đến các hoạt động tài chính trong nhiều năm.

Vào những năm 2004 – 2005, ông công tác tại Melbourne, Úc và là người phụ trách Tài chính cho bộ phận Bán hàng và Dịch vụ của Ford Úc. 

Sau đó, năm 2009, ông trở về Việt Nam và đảm nhiệm vị trí Giám Đốc tài chính tại Ford Việt Nam.

Như vậy, sau quá trình làm việc và cống hiến suốt 17 năm, đến tháng 8/2015, lần đầu tiên, Ford Việt Nam có “thuyền trưởng” mang trong mình dòng máu Việt khi chính thức bổ nhiệm ông Phạm Văn Dũng vào chức vụ Tổng Giám đốc doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng luôn là một thành viên tích cực đóng góp cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, chẳng hạn như là Hiệp hội Các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt nam (Amcham)...

 Ông Phạm Văn Dũng: CEO người Việt chèo lái Ford Việt Nam lớn mạnh và đứng vững giữa ngành ô tô - ảnh 2

Được biết ông Dũng khởi đầu tại Ford với vị trí kế toán viên, sau 17 năm làm việc thì được bổ nhiệm vị trí cao nhất tại Việt Nam.

Ford Việt Nam lớn mạnh dưới bàn tay chèo lái của ông Phạm Văn Dũng

Những ngày đầu, trước sự vào chỗ của Tổng giám đốc Ford Việt Nam, chủ tịch Ford ASEAN đã thể hiện đặt niềm tin vào ông Dũng, người “rất xứng đáng để đảm nhiệm những trọng trách cao nhất của Ford tại thị trường Việt Nam” và nhìn nhận “ông Dũng đã và đang là một thành viên quan trọng trong ban lãnh đạo của Ford Việt Nam” để có thể tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng và những thành công của Ford tại đây.

Quả thật, ngay sau khi lên nắm quyền, một loạt chính sách cải tổ về nhân sự, phát triển thị trường được ông Dũng đưa ra. Nhờ đó, trong năm 2015, Ford trở thành một trong những thương hiệu ô tô phát triển nhanh nhất Việt Nam, ghi nhận kết quả bán hàng tốt nhất trong lịch sử vào tháng 9/2015.

Tới năm 2019, Ford Việt Nam phá kỷ lục doanh thu khi vượt ngưỡng xe bán ra trên 30.000 chiếc, chiếm tỉ lệ 10% thị phần trên toàn ngành, với nhiều dòng xe chủ lực giữ được vị trí dẫn đầu phân khúc, ví dụ như phân khúc xe bán tải và xe thương mại với Ford Ranger, Ford Transit trong 7 năm liên tiếp giữ vị trí TOP 1.

Năm 2020, ông Phạm Văn Dũng cho biết, liên doanh này cũng đang tiến hành đầu tư hơn 82 triệu USD mở rộng nhà máy Ford tại Hải Dương, đây là một trong những động thái nhằm mở rộng sản xuất và thúc đẩy kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

 Ông Phạm Văn Dũng: CEO người Việt chèo lái Ford Việt Nam lớn mạnh và đứng vững giữa ngành ô tô - ảnh 3

Ford là nơi khiến ông Dũng muốn gắn bó lâu dài vì nơi đây tạo ra nhiều cơ hội học hỏi bình đẳng cho mọi nhân viên sau khi làm việc tại vài doanh nghiệp nước ngoài.

Như vậy, Ford sẽ tăng số lượng các dòng xe lắp ráp trong nước sau khi tiến hành mở rộng nhà máy Hải Dương. Cụ thể, sau khi hoàn tất quá trình đầu tư mở rộng, công suất có thể tăng gần gấp 3 lần từ 14.000 xe hiện nay lên tới 40.000 xe/năm, nguồn cung được đảm bảo ổn định và tương xứng với nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng (đơn cử như nhu cầu năm 2019 đã giúp công ty bán trên 30 ngàn xe, tăng 31%).

Quyết định đầu tư này được đưa ra dựa trên vị thế hiện tại Ford đang sản xuất 3 dòng xe ở Việt Nam, sau khi nghiên cứu về thị trường và chiến lược sản phẩm, doanh nghiệp sẽ có thêm những sản phẩm mới để nâng cao sản lượng bán ra thị trường cũng như tận dụng công suất mới của nhà máy trong thời gian tới.

Ngoài ra, gần 500 lao động được tạo thêm việc làm với việc mở rộng đầu tư nhà máy của Ford Việt Nam, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hải Dương.

Đây cũng là minh chứng cho sự tin tưởng của tập đoàn Ford Motor vào tiềm năng của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, hiện thực hóa cam kết gắn bó lâu dài của Ford tại Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Gói đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của nhà máy Ford Hải Dương sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng trong nước đối với phổ sản phẩm đa dạng của Ford.

CEO Ford Việt Nam chia sẻ bí quyết thành công

Ông Phạm Văn Dũng cho rằng, sản phẩm rất quan trọng nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh tốt, sản phẩm rất quan trọng. Hiện tại, Ford vẫn tập trung thiết kế sản phẩm của mình theo tiêu chí One Ford với 4 trụ cột: An toàn và Thông minh, Chất lượng, Xanh - tiết kiệm nhiên liệu.

Với phổ sản phẩm phong phú, đa dạng và linh hoạt, Ford Việt Nam đang phân phối 6 dòng sản phẩm, và 3/6 các mẫu xe đều có doanh số dẫn đầu phân khúc, đặc biệt là hai phân khúc thế mạnh của mình - SUV và thương mại. Nhờ vậy, doanh nghiệp vẫn đã được khách hàng Việt đón nhận và tin tưởng.

 Ông Phạm Văn Dũng: CEO người Việt chèo lái Ford Việt Nam lớn mạnh và đứng vững giữa ngành ô tô - ảnh 4

Tập thể lãnh đạo Ford VN và các đại biểu trong Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tại VN trước biểu tượng của chiến lược toàn cầu One Ford.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp luôn tiến hành mở rộng mạng lưới trên toàn quốc, cam kết duy trì sản xuất cho các dòng xe có nhiều giá trị của mình tại nhà máy ở Hải Dương, như EcoSport, xe thương mại Transit và mới gần đây là Ford Tourneo.

Ford Việt Nam không chỉ nỗ lực tiên phong khai phá các phân khúc mới, mà còn chú trọng mang dịch vụ chất lượng nhất tới khách hàng trên cả nước. Doanh  nghiệp cũng chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, các chương trình đào tạo, và các hoạt động sản phẩm toàn cầu trong tương lai. 

Để phát triển thị trường ô tô trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng, Ford cần không ngừng nâng cao chất lượng cũng như phổ sản phẩm của mình để mang tới cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn trên thị trường ô tô. 

Đồng thời, ông đánh giá thị trường ô tô Việt Nam hiện vẫn còn rất non trẻ, nên bày tỏ mong muốn nhà nước sẽ có nhiều chính sách mới hỗ trợ các công ty ô tô trong việc nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp như điều chỉnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0%; thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe có động cơ dưới 2.0L cũng được giảm thêm 5%; Nghị định 125/2017/NĐ-CP có nội dung ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu về 0%; Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo hành và bảo dưỡng ô tô... 

Thông qua đó giúp thu hẹp khoảng cách chi phí giữa xe CKD sản xuất trong nước và xe CBU nhập khẩu, công bằng và khả thi, giảm thiểu hiện tượng chờ đợi trên thị trường do các thông tin chính sách thay đổi; đảm bảo chính sách ổn định và phù hợp với thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế; góp phần hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

Nhờ vậy, đối với các công ty ô tô, thị trường sẽ càng ngày rộng mở hơn, có lợi với cả chính người tiêu dùng.

Xem thêm: Toyota, Honda, Ford đánh mất thị phần lớn vào tay các đối thủ Vinfast, Thaco và Hyundai Thành Công

Phương Thúy