Ông Phan Đức Hiếu: Doanh nghiệp tư nhân sẽ tự tin 'dám làm', 'dám lớn'
Dưới đây là chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bên hành lang Quốc hội về sự đột phá của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Nghị quyết 68: Bước ngoặt thứ ba của kinh tế tư nhân
Sự ra đời của Nghị quyết 68 là đánh dấu một bước ngoặt rất lớn trong tiến trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân
Bước ngoặt đầu tiên vào khoảng 1986 -1990 chúng ta chuyển một bước từ kinh tế tư nhân - đối tượng cải tạo sang việc thừa nhận và cho phép hoạt động trong một số lĩnh vực ngành nghề.
Bước thứ hai là sự ra đời của Luật doanh nghiệp năm 2020, đánh dấu sự đột phá về cải cách thể chế tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường. Chuyển từ doanh nghiệp được làm những gì nhà nước cho phép sang được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Và lần này thì Nghị quyết 68 là bước ngoặt thứ ba trong lịch sử phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đây được kỳ vọng là bước ngoặt để tạo ra sự thay đổi về chất là nâng cao chất lượng của khu vực kinh tế tư nhân để thực sự trở thành một động lực quan trọng nhất đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nhìn chung là tôi cảm nhận được một không khí rất là phấn khởi, vui mừng chào đón Nghị quyết 68 của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và của cả những chuyên gia, nhà khoa học có liên quan.
Ba thông điệp rõ ràng, hai thay đổi quan trọng về kinh tế tư nhân
Ở Nghị quyết 48, tôi thấy nổi bật lên ba thông điệp lớn. Thứ nhất là giảm sự phiền hà, tăng cường mức độ bảo vệ. Trước đây chúng ta nhấn mạnh nhiều đến giảm sự phiền hà nhưng lần này chúng ta lại tiến thêm một bước là “tăng cường sự bảo vệ” đối với khu vực kinh tế tư nhân,đây là một cái điểm rất mới. Và bước thứ ba nữa là khơi thông mọi nguồn lực.
Nhìn quay ngược trở lại, chúng ta sẽ nhìn thấy có hai thay đổi rất quan trọng.
Thứ nhất là Nghị quyết xác định rất rõ quan điểm, cách nhìn nhận về vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Trong nghị quyết khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất” trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ hai là thay đổi hẳn tư duy, không phải là nhà làm chính sách, mà là tư duy của toàn xã hội khi nhìn nhận về kinh tế tư nhân.
Chúng ta nhìn thấy là Nghị quyết xác định rất rõ là phải kiên quyết xóa bỏ mọi định kiến không tốt, những cái tồn tại, tồn dư trước đây, thậm chí vài chục năm trước đối với khu vực kinh tế tư nhân trong thời kỳ đầu. Từ đó giúp định hình lại tư duy của toàn xã hội, thừa nhận vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 thể hiện tư duy về việc xây dựng và thực thi chính sách và thể chế đối với khu vực kinh tế tư nhân. Điều này được thể hiện rất rõ, không chỉ trong Nghị quyết 68 này mà chúng ta còn phải thực hiện với Nghị quyết 66 về cải cách thể chế.
Trao quyền tự do kinh doanh: “Cắt bỏ” chứ không phải “cắt giảm”
Về thông điệp đầu tiên là tư duy giảm sự phiền hà hay tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đó không phải là quan điểm mới và đã được tập trung xuyên suốt một thời gian dài qua nhưng điểm mới ở đây là tính chất quyết liệt và sự mạnh mẽ.
Thứ nhất đó là chúng ta sẽ “cắt bỏ” tất cả những phiền hà chứ không phải là “cắt giảm” hay “đơn giản hoá”. Sự cắt bỏ này phải thể hiện đúng cái quan điểm là người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Đấy là thể hiện quyền tự do kinh doanh.
Nghị quyết đã thể hiện rất rõ quan điểm là cải cách thể chế mạnh mẽ tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường. Để có lực lượng doanh nghiệp tốt thì đầu tiên phải có một số lượng doanh nghiệp nhiều. Người dân khi có sáng kiến, có ý tưởng kinh doanh sẽ dễ dàng trong việc triển khai không bị cản trở chỉ vì rào cản thủ tục hành chính thì đấy mới là đích đến.
Thứ hai là phải thay đổi toàn bộ tư duy về quản lý nhà nước, đó là phải chuyển từ tiền kiểm sang chủ yếu là hậu kiểm nhưng lưu ý không phải là “tăng cường hậu kiểm”. Nếu doanh nghiệp làm chưa đúng phải tư vấn, hỗ trợ để doanh nghiệp làm cho đúng chứ không phải cấm doanh nghiệp làm. Việc gì chưa có, chưa đúng quy định sẽ không cấm mà phải hỗ trợ doanh nghiệp.
Nghị quyết cũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp để hướng đến điều đó. Ví dụ như hoạt động thanh tra, kiểm tra, bản chất là một phương thức hậu kiểm, nhưng làm sao để đạt được hiệu quả là phát hiện kịp thời những vi phạm nhưng đồng thời không tạo ra sự phiền hà.
Tăng mức độ bảo vệ, doanh nghiệp sẽ tự tin 'dám làm', dám lớn'
Nghị quyết lần này cũng đã đáp ứng đúng một trong những điểm mà doanh nghiệp rất băn khoăn, đó là sự an toàn, sự yên tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng đến việc “tăng sự bảo vệ cho doanh nghiệp”.
Khi gia nhập thị trường dễ dàng nhưng nếu như trong quá trình hoạt động mà doanh nghiệp vẫn phải chịu cả về rủi ro thể chế, cả về rủi ro kinh doanh thì điều đó sẽ tác động đến tâm lý của doanh nghiệp. Đôi khi doanh nghiệp sẽ sợ, sợ thì không dám sáng tạo, không dám đổi mới, thậm chí sợ không dám lớn.
Trong kinh doanh cũng đôi khi không thể tránh được những sai lầm nhưng nếu vì thế mà triệt tiêu doanh nghiệp, không có cơ hội để có thể sửa sai và làm lại thì rõ ràng là không tạo dựng được một môi trường kinh doanh tốt.
Một trong những biện pháp đấy là đó là việc xử lý những vi phạm của doanh nghiệp tách bạch giữa dân sự, hành chính và hình sự, giữa xử lý trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp. Điều này đã đánh trúng cái vấn đề mấu chốt lâu nay mà doanh nghiệp cảm thấy rủi ro và không an toàn.
Vấn đề nữa là đôi khi việc xử lý sai phạm lại triệt tiêu cơ hội để sửa chữa sai lầm mặc dù sai lầm đấy hoàn toàn mang bản chất kinh tế, có thể xử lý được.
Nghị quyết lần này đã nhắc rất rõ là cần phải sửa đổi các bộ luật hình sự, tố tụng hình sự để đảm bảo tách bạch giữa xử lý các vấn đề về kinh tế bằng biện pháp kinh tế, hành chính hay biện pháp hình sự; tách bạch giữa vi phạm của cá nhân và vi phạm của doanh nghiệp để làm sao việc xử lý đảm bảo nó đúng người, đúng việc mà lại không gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Nếu như Nghị quyết này được sớm thể chế hóa một cách đầy đủ và toàn diện thì tác động của nó sẽ lớn hơn rất nhiều. Ngay lập tức nó có thể tạo ra tác động, không phải là chỉ trực tiếp mà cả gián tiếp và điều quan trọng là khơi dậy lại niềm tin, sự tự tin trong kinh doanh, ý chí và mong muốn phát triển của doanh nghiệp tư nhân.