PCI 2021: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực sự phát huy hiệu quả

Ngọc Quỳnh 19:10 | 27/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc triển khai chương trình trợ giúp doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa phát huy hiệu quả trong thực tiễn, chưa đáp ứng được mong đợi của số đông doanh nghiệp.

Tại lễ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/4, nhiều ý kiến từ phía các hiệp hội và doanh nghiệp ở các địa phương đều có chung nhận định rằng, việc triển khai các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, chưa đáp ứng được mong đợi của số đông doanh nghiệp trong bối cảnh toàn nền kinh tế phải gồng mình chống chịu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và mọi doanh nghiệp đều phải nỗ lực duy trì hoạt động để thích ứng tình hình mới.  

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, báo cáo PCI cũng tổng kết, qua khảo sát, có khoảng 51,3% doanh nghiệp trả lời là không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 8% doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ các chương trình, chính sách theo luật định; khoảng 7,34% doanh nghiệp tiếp cận được việc cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa và khoảng 4,75% doanh nghiệp tiếp cận được việc hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp do phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa khác nằm bên ngoài khu công nghiệp.  

Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ từ nhà nước khá thấp, song có tới 80% doanh nghiệp đều ghi nhận rẳng, các thủ tục hành chính được triển khai theo các chương trình này lại khá dễ thực hiện. Đây là những đánh giá của các doanh nghiệp đã đi qua đầy đủ các bước trong quy trình thủ tục để nhận được hỗ trợ.

Một trong những điểm sáng được vinh danh tại sự kiện là tỉnh Quảng Ninh - Quán quân liên tiếp trong nhiều năm của Bảng xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2021. Đây là cũng là địa phương tích cực nhất trong việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Đậu Anh Tuấn ghi nhận năm 2021, Quảng Ninh tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để giảm từ 40 - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo luật định. Bằng nhiều giải pháp tích cực, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực hiện thực hoá cam kết đồng hành, lắng nghe và giải quyết hiệu quả các khó khăn của doanh nghiệp tại địa phương để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tỉnh Quảng Ninh cũng thực thi hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương; đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp của địa phương để hỗ trợ nhanh chóng các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh các hỗ trợ về thuế, phí, bảo hiểm xã hội và tiếp cận tín dụng, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập từ sớm Tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa của tỉnh để bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, cũng như bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động cung ứng.

“Tỉnh cũng triển khai ủy quyền cho UBND cấp huyện quyền hạn quyết định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi COVID-19 nhằm giải quyết kịp thời nhất các vấn đề phát sinh ở cấp cơ sở. Điều tra PCI 2021 ghi nhận 87,9% doanh nghiệp trong tỉnh đã đánh giá “tốt” hoặc “rất tốt” về ứng phó của chính quyền tỉnh trước đại dịch COVID-19. Đây là một trong những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về quản trị dịch bệnh cao nhất cả nước”, ông Tuấn nói.

Báo cáo PCI năm nay cũng tiếp tục phản ánh những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: 69% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng vấn đề tìm kiếm khách hàng là khó khăn nhất; 47% cho rằng họ đang gặp phải vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn, 32% doanh nghiệp lại cho biết đang phải chịu sức ép từ biến động thị trường và 27% doanh nghiệp cho biết đang tìm kiếm nhân sự thích hợp và 24% doanh nghiệp đang gặp áp lực với việc tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Bên lề sự kiện, ông Đỗ Đức Đôn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương cho hay, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào cũng "hóng" chờ các chương trình, chính sách hỗ trợ vì "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Song nhiều khi, việc triển khai các chương trình, chính sách căn cứ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất chậm chạp, khó khăn khiến doanh nghiệp nản. Việc phải chạy vòng vèo nhiều cửa; đáp ứng các điều kiện để được thụ hưởng và chờ đợi rà soát danh sách để tới lượt mình cũng là cả 1 hành trình dài khiến không ít doanh nghiệp thối chí.

Ngay tiếp cận tín dụng lãi suất thấp để doanh nghiệp có điều kiện tái lập lại hoạt động, mở rộng quy mô và thúc đẩy năng suất cao hơn bù đắp cho quá trình bị đình đốn do dịch bệnh cũng vô cùng chật vật. Nếu không phải là đối tác uy tín, có lịch sử tín dụng sạch, có phương án kinh doanh khả thi và thậm chí còn phải là khách hàng thân thiết, được ưu tiên của ngân hàng thì cũng rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ nhiều chục tỷ đồng như đang được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. 

Hơn lúc nào hết, đây là đang là thời điểm nước rút cần các địa phương, các ban, ngành chức năng nhìn lại để không chỉ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn cần các giải pháp thực chất hơn để thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực.