Pháp muốn kiềm tỏa chặt các tập đoàn xuyên quốc gia bằng mức thuế suất 'khủng'

05:40 | 13/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đó, quốc gia này đề xuất những nước trong khối G20 có quyền đánh thuế 25% lợi nhuận của những tập đoàn đa quốc gia bất kể nguồn gốc thu nhập từ đâu.

Trong cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới diễn ra tại Ý, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã đưa ra đề xuất đánh thuế mạnh lên đến 25% lợi nhuận của các tập đoàn xuyên quốc gia bất kể nguồn gốc từ quốc gia nào. 

Lý do là bởi hiện tại nhiều tập đoàn kinh doanh qua sàn thương mại điện tử, từ đó chuyển lợi nhuận đến các quốc gia có mức thuế thấp bất kể nguồn thu lấy từ nước nào. 

Ông Paolo Gentiloni, Uỷ viên Uỷ ban châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế đã lấy ví dụ về các quốc gia đang phát triển như Brazil đã và đang triển khai những biện pháp tương tự nhằm bảo vệ lợi ích. 

Theo Bộ trưởng Le Maire, giải pháp tốt nhất là áp thuế 25% trên lợi nhuận doanh nghiệp để xoa dịu mối lo ngại chính đáng của một số nước đang phát triển.

Pháp muốn kiềm tỏa chặt các tập đoàn xuyên quốc gia bằng mức thuế suất 'khủng' - ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Pháp. Ảnh: TTXVN

Dự kiến, quy định mới sẽ áp dụng đối với các công ty đa quốc gia với doanh thu toàn cầu trên 20 tỷ euro (23,8 tỷ USD), và sẽ xem xét giảm xuống 10 tỷ euro sau 7 năm sau khi đã trải qua một đợt đánh giá, cân nhắc. 

Trong một diễn biến liên quan, không chỉ Pháp mà Mỹ cũng đang có những hành động mạnh tay đối với những tập đoàn lớn. Cụ thể, tổng thống Joe Biden ký các lệnh hành pháp chống độc quyền nhằm giảm sức mạnh của nhiều doanh nghiệp. Trong đó có những nội dung đáng chú ý khuyến khích liên bang hực hiện nhiều hành động, chẳng hạn như xem xét chặt hơn ngành công nghệ, giảm mức phí cao của các chủ hàng đường biển và cho phép bán thiết bị trợ thính không cần kê đơn. Ngoài ra, còn những hành động nhằm hạn chế hành động thâu tóm đối thủ của các công ty lớn...

Trước đó, hồi đầu tháng 7, có 130 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đồng ý thiết lập một thỏa thuận đánh thuế tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là thỏa thuận ban đầu vì còn nhiều khúc mắc xung quanh chuyện nhiều quốc gia chưa hài lòng về mức thuế này, chưa thống nhất và muốn đánh thuế cao hơn. Do vậy, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 sẽ phải tiến hành bàn bạc lại những nội dung liên quan đến thỏa thuận này. Mục tiêu chính là hoàn tất thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 cũng được tổ chức ở Ý vào tháng 10/2021. 

H.S

Xem thêm: Nhà Nobel kinh tế muốn Mỹ và Châu Âu đánh thuế nặng với các công ty đa quốc gia