Phát Đạt (PDR): Nóng chuyện phát hành riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp

Nguyên Ngọc 09:12 | 01/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo ý kiến của một số cổ đông Phát Đạt, phương án phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá 10.000 đồng/cp có thể thiệt thòi cho cổ đông hiện hữu bởi mức giá này chênh lệch nhiều so với thị giá cổ phiếu PDR hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT, trả lời cổ đông tại phiên thảo luậnĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào sáng ngày 30/6. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Tại phiên thảo luận ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), nhiều cổ đông cho rằng phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp chưa hợp lý và ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông hiện hữu.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT, trong lúc khủng hoảng xảy ra, đích thân ông đã đi tìm đối tác để mời họ tham gia hỗ trợ công ty và việc tìm kiếm này đã diễn ra cách đây vài tháng.

“Về con số tuyệt đối, cổ đông hiện hữu nhìn thấy mình thiệt nhưng hãy nghĩ xa một chút. Vào thời điểm kiệt quệ, tôi nghi ngờ không biết chúng ta có thực hiện tăng vốn được hay không? Khi tăng vốn, chúng ta dùng tiền này để cơ cấu lại các khoản nợ, công ty thoát khủng hoảng một cách vững chắc và chúng ta sẽ tốt trong tương lai.

Tôi cho rằng nếu nghĩ dài một chút xíu thì cổ đông hiện hữu không thiệt. Tôi cũng là một cổ đông lớn của Phát Đạt. Tại thời điểm khủng hoảng xảy ra, suy nghĩ của tôi chỉ có hai điều.

Thứ nhất, có tiền để công ty vượt qua khó khăn. Tôi không cần biết mất bao nhiêu tiền, tôi sẵn sàng bán tài sản cá nhân để làm điều đó. Tôi cũng bị thiệt như tất cả các cổ đông ngồi ở đây.

Thứ hai, điều khó nhất là chúng ta phải giữ uy tín. Với bối cảnh khó khăn như vậy, công ty đã làm được cả hai việc nói trên. Để không có bất cứ rủi ro nào có thể xảy ra nữa là lý do cho đợt huy động vốn. Mong cổ đông thông cảm và chia sẻ với công ty”, Chủ tịch Phát Đạt gửi gắm đến cổ đông.

Biến động giá cổ phiếu PDR. (Nguồn: Wichart).

Cổ đông lo ngại lãnh đạo công ty nắm quyền chi phối sau phát hành

Theo ý kiến của một cổ đông, mục đích phát hành riêng lẻ để có nguồn tiền trả nợ là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cổ đông có rằng “nếu không khéo thì ban lãnh đạo có thể vướng về mặt pháp lý”.

Theo báo cáo tài chính 2022 đã được kiểm toán, mỗi cổ phiếu PDR có giá trị sổ sách là 13.776 đồng. Còn giá thị trường giao dịch bình quân 30 phiên (10/5-20/6/2023) là 14.930 đồng/cp.

“Theo tôi phân tích, theo giá cổ phiếu PDR ngày hôm qua (29/6) ở mức 16.500 đồng/cp, sau khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thì cổ phiếu sẽ bị pha loãng và giá sẽ giảm về khoảng 15.400 đồng/cp. Nếu tiếp tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 10% nữa thì giá cổ phiếu PDR về đâu đó 15.000 đồng/cp.

Các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể đặt vấn đề mà ban lãnh đạo phải lường trước: Tại sao 7 cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lại có thể mua với giá 10.000 đồng/cp?

Việc này liên quan đến quyền biểu quyết. Luật Chứng khoán đã thay đổi, Ủy ban Chứng khoán theo dõi rất chặt chẽ khi hồ sơ phát hành được trình lên. Nếu tôi là cơ quan quản lý Nhà nước, tôi hoàn toàn có thể đặt vấn đề: Nếu 7 cá nhân này có liên quan đến HĐQT thì sang năm cổ phần của các lãnh đạo có thể chi phối và việc biểu quyết không còn khách quan nữa.

Tôi đề xuất chúng ta phát hành cho cổ đông hiện hữu trước, nếu cổ đông hiện hữu không mua thì khi đó hãy phát hành cho những người khác”, cổ đông nêu ý kiến.

(Nguồn: Phát Đạt).

Danh sách cổ đông PDR. (Nguồn: WiGroup).

Một cổ đông khác cho rằng đối với việc tăng vốn, HĐQT vẫn có thể phát hành cho cổ đông hiện hữu thay vì phát hành riêng lẻ hoặc có thể phát hành riêng lẻ với giá bằng giá trị sổ sách.

“Trong trường hợp không có cổ đông hoặc không ai đăng ký mua với giá bằng giá trị sổ sách, tôi sẵn sàng mua phần đó. Bởi nếu phát hành riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp thì thiệt cho cổ đông hiện hữu như chúng tôi quá. Bằng các cách trên, công ty vẫn có thể phát hành tăng vốn được. Còn nếu phát hành riêng lẻ, tôi góp ý yêu cầu phát hành với giá bằng giá trị sổ sách của công ty”, cổ đông nói.

Tất cả những gì Phát Đạt làm chắc chắn sẽ đúng quy định pháp luật”

Phản hồi đề xuất của cổ đông, Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt nhắc lại việc tìm kiếm những đơn vị, những cá nhân tham gia vào đợt phát hành riêng lẻ đã được thực hiện từ lâu và được công bố lại tại đại hội hôm nay.

Chủ tịch Phát Đạt gửi lời cám ơn đến cổ đông “đã cảnh báo rằng coi chừng vi phạm pháp luật” và khẳng định “tất cả những gì Phát Đạt làm chắc chắn sẽ đúng quy định pháp luật vì Phát Đạt là doanh nghiệp niêm yết, thượng tôn pháp luật là trên hết”.

“Lời cảnh báo của cổ đông tôi xin ghi nhận. Bộ phận pháp chế của Phát Đạt sẽ làm chặt chẽ, đúng quy định pháp lý. Đúng pháp luật thì chúng tôi mới làm, không bao giờ làm mà vi phạm pháp luật”, Chủ tịch Phát Đạt một lần nữa khẳng định.

Cũng theo chia sẻ từ người đứng đầu của Phát Đạt, trong quá trình phát triển của Phát Đạt cũng như bản thân ông, uy tín là trên hết. Phát Đạt đã sóng sót qua nhiều cơn sóng gió và để có được vị thế như ngày hôm nay chính nhờ uy tín.

Ông Đạt chia sẻ: “Trong thời điểm khó khăn cực độ, lúc đó giá cổ phiếu PDR khoảng 13.000 đồng/cp, cảm giác của tôi nếu phát hành thêm không biết rằng cổ đông hiện hữu có mua được hay không? Tôi đã đi tìm hiểu thêm nhiều cổ đông của Phát Đạt, rồi tôi mới đi tìm kiếm những người khác mời họ tham gia trở thành cổ đông của Phát Đạt để công ty có tiền trả nợ trái phiếu và các khoản nợ ngắn hạn khác.

Thời điểm đó ngân hàng thiếu room, không cho vay bất động sản nên một phần nhờ những đối tác của mình để chúng tôi vững tin bước tiếp, vượt qua khó khăn một cách bền vững. Do đó, không có lý do gì để mình đã cam kết với khách hàng của mình, tìm kiếm những đối tác của mình để rồi ngày hôm nay giá cổ phiếu lên 16.000-17.000 đồng/cp mình phản bội lại lời hứa của mình.

Ngày hôm nay cổ đông ngồi đây nói rằng chúng ta bán rẻ. Nếu thử đặt vào vị trí ban điều hành tại thời điểm khó khăn đó, chúng ta có còn nghĩ rẻ hay không? Cổ đông nói nếu bán không được thì bán cho anh. Chúng ta phải làm theo quy định của pháp luật chứ không thể nào bán cho anh được nên mong cổ đông hết sức thông cảm”.

“Đối tác vào thì chúng ta có tiền trả nợ”

Chia sẻ thêm về mối lo ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông hiện hữu khi phát hành riêng lẻ, Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt cho biết vào lúc khó khăn nhất, ông là người hy sinh tài sản nhiều nhất cho công ty mà không tính thiệt hơn, chỉ để đảm bảo làm sao cổ đông và ông được tồn tại trước rồi tiếp tục phát triển trong tương lai.

Ông nói: “Mọi người bây giờ cứ nói rẻ - mắc, ngồi đây chúng ta phán không. Việc Phát Đạt làm là đúng quy định của pháp luật và chúng ta phải giữ được uy tín. Cổ đông có thể tìm hiểu về tư cách của tôi trên thương trường cũng như Phát Đạt trong thời gian qua như thế nào. Nói phải giữ lời thì trong lúc khó khăn mới có người giúp mình. Miếng bánh chia đều ra, đối tác vào thì chúng ta có tiền trả nợ.

 

Tôi là người thiệt nhất, cổ đông không biết rằng thiệt rất nhiều. Một tài sản của tôi 300 tỷ, tôi chấp nhận bán với giá 200 tỷ để huy động tiền cho công ty mượn. Tài sản của gia đình tôi cũng bán, cho công ty mượn để thế chấp thêm, dùng tài sản cá nhân của tôi để đảm bảo công ty vượt qua khó khăn.

Cổ đông nói thiệt, ai thiệt? Tôi thiệt nè! Các cổ đông xem thử trong lúc khó khăn này, có Chủ tịch công ty bất động sản nào làm như tôi không? Tôi chấp nhận mất bao nhiêu đó để giữ uy tín, để tồn tại và để phát triển”.

Theo ý kiến của đại diện Dragon Capital (vừa là cổ đông vừa là trái chủ của Phát Đạt), trong giai đoạn khủng hoảng của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua, với vai trò trái chủ, đại diện Dragon Capital xác nhận Phát Đạt đã rất nỗ lực trong việc tuân thủ nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu cho nhà đầu tư.

Về kế hoạch phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 10% cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, đại diện Dragon Capital  cho rằng tỷ lệ này là mức bình thường và hợp lý vì rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường phát hành với tỷ lệ 20-30%.

“Việc tăng nợ vay để trả nợ vay trái phiếu trong giai đoạn này rất khó nên việc phát hành phải làm, có thể đưa về dòng tiền gần 700 tỷ để công ty trả nợ trái phiếu sắp đáo hạn trong 6 tháng tới.

Cổ đông có thảo luận về giá phát hành 10.000 đồng/cp và giá trị sổ sách. Phương án phát hành có quy định hạn chế chuyển nhượng một năm, tôi nghĩ rằng đây có thể bù trừ cho người tham gia mua, khác với việc cổ đông hiện hữu mua xong khi thị trường có biến động thì cổ đông có thể bán”, đại diện Dragon Capital chia sẻ quan điểm.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Phát Đạt đã thông qua cả hai phương án huy động vốn. Trong đó, công ty sẽ chào bán hơn 67 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp trong năm nay. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Toàn bộ vốn hơn 670 tỷ đồng dự kiến huy động được dùng để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu mà công ty đã phát hành trong hai năm 2021-2022. Thời gian trả nợ dự kiến trong quý III, IV/2023 và năm 2024 trên cơ sở thỏa thuận giữa công ty và người sở hữu trái phiếu.

Đồng thời, công ty sẽ phát hành tối đa hơn 134 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp và tỷ lệ chào bán là 1:5,5 (cổ đông sở hữu một cổ phiếu được hưởng một quyền mua, mỗi 5,5 quyền mua được mua 1 cổ phiếu chào bán thêm).

Hơn 1.343 tỷ đồng dự kiến thu được sẽ được sử dụng để triển khai các dự án của Phát Đạt và của công ty con, bao gồm: Phân khu số 2 và 9 Khu du lịch sinh thái Nhơn Hội – Bình Định (132 tỷ đồng); Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh – Bình Định (hơn 511 tỷ đồng); Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp – Ngô Mây, Bình Định (400 tỷ đồng); Astral City - Bình Dương (300 tỷ đồng).