Phát hiện hơn 1.000 ca mắc Covid-19 từ vùng dịch trở về các địa phương
Ghi nhận hơn 1.000 người dương tính
Số liệu trên được thống kê trong báo cáo tình hình dịch và kết quả triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 7/10 của Bộ Y tế.
Cụ thể, từ ngày 1/10 đến nay, có 39 tỉnh ghi nhận 157.088 người trở về địa phương. Bộ Y tế ghi nhận 1.007 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Nhận định tình hình dịch, Bộ Y tế cho hay tại Việt Nam, dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong 2 tuần gần đây, số mắc cộng đồng và tử vong liên tiếp giảm. Một số tỉnh nới lỏng giãn cách, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai đang có di biến động dân cư lớn do người dân trở về quê (về các địa phương khác).
Nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong những ngày tới đòi hỏi ngành y tế cần tiếp tục tăng cường giám sát để phát hiện sớm, xử lý kịp thời với tinh thần không được chủ quan, lơ là.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, quản lý chặt chẽ công dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc...) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên, xét nghiệm định kỳ.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức đưa đón người dân về quê
Tối ngày 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành và các bộ trưởng, trưởng cơ quan ngang Bộ về vấn đề đưa đón người dân về quê.
Nội dung công điện nêu rõ: Sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một bộ phận người dân ở TP.HCM, Bình Dương... có nhu cầu di chuyển về quê.
Đây là nhu cầu chính đáng của người dân; tuy nhiên nếu không tổ chức tốt việc đưa, đón để người dân tự phát về quê sẽ dẫn tới nguy cơ dịch lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước.
Trong mấy ngày qua, mặc dù các tỉnh, thành phố đã cố gắng để tổ chức đưa đón an toàn nhưng do số lượng người dân có nhu cầu về quê cùng một thời điểm quá lớn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa chủ động, nhịp nhàng nên đã gây ùn ứ tại các điểm kiểm soát dịch và nhiều người dân trong đó có cả người già, trẻ em đã phải rất vất vả.
Cá biệt có một số người dân tự ý rời khỏi địa phương nơi cư trú nhưng do quê ở rất xa nên dọc đường đi gặp nhiều rủi ro cho sức khỏe bản thân và có thể làm lây lan dịch.
Để tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch, đồng thời đảm bảo để người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được đưa, đón về quê an toàn, chu đáo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1625/CĐ-TTg ngày 30/9/2021, công điện số 122 DK ngày 1/10/2021 của Văn phòng Chính phủ. Việc phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.
Các địa phương tình hình dịch còn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng đã dừng thực hiện Chỉ thị 16, tiếp tục tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại gắn với hỗ trợ an sinh và thực hiện khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn. Đối với những người vẫn muốn về quê, cần chủ động lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến.
Đối với những người dân đã ra tới các chốt kiểm soát cửa ngõ của tỉnh, thành phố để về quê, phải thực hiện ngay việc phân nhóm, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dịch tễ, liên hệ với tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân đi. Bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu.
Các tỉnh, thành phố dọc đường đi có trách nhiệm phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt và có sự hỗ trợ nếu cần thiết. Tỉnh, thành phố nơi đến có trách nhiệm đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định.
Các tỉnh, thành phố nếu phát hiện có người dân tự phát từ vùng có dịch về quê đang đi qua địa phương mình, cần chủ động hỗ trợ cần thiết, thông báo cho tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân di chuyển an toàn không để lây lan dịch bệnh. Bố trí phương tiện chuyên chở thuận lợi nếu người dân không có phương tiện phù hợp.
Bộ Y tế phân bổ ngay vaccine sau khi tiếp nhận, ưu tiên sớm hơn cho các tỉnh có nhiều người dân từ vùng dịch về; hỗ trợ phương tiện, sinh phẩm xét nghiệm; hỗ trợ thuốc để các địa phương có người dân trở về xét nghiệm kịp thời, sẵn sàng điều trị khi có ca mắc Covid-19 mới. Căn cứ yêu cầu các địa phương, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường, hỗ trợ nhân lực đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Việt Nam đã tiêm hơn 50 triệu liều vắc xin Covid-19
Tính đến sáng nay 8/10, cả nước đã tiêm chủng trên 51,4 triệu liều, có khoảng 13,5 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19. Tỉ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin khoảng 52% dân số từ 18 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 liều đạt 18,5%.
Trong đó, tỉ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin trong nhóm 18 tuổi trở lên của miền Bắc là 46,5%, miền Trung là 43,6%, Tây Nguyên 15,5%, miền Nam đạt cao nhất với 59,9%. Có 6/63 tỉnh thành đạt tỉ lệ tiêm ít nhất 1 mũi cho trên 90% dân số từ 18 tuổi gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP.HCM, Bình Dương và Long An.
3/63 tỉnh thành đạt tỉ lệ tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 cho 80-90% người từ 18 tuổi trở lên là Đồng Nai, Đà Nẵng và Lạng Sơn. 1/63 tỉnh thành có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 mũi vắc xin cho 70-80% dân số 18 tuổi trở lên là Hà Nam. Tỉ lệ của 3 tỉnh Bắc Ninh, Yên Bái, Phú Yên đạt là 50-70%. 16/63 tỉnh thành đạt 30-50%, 34 tỉnh thành còn lại mới đạt 10-30%.