Phát triển bền vững: Nền tảng để DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
18:29 | 11/12/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
DNVN - Hiện nay, phát triển bền vững đã trở thành tiêu chí hàng đầu, trọng tâm và sự lựa chọn của các chính phủ, các tổ chức, hiệp hội và là cái gốc để doanh nghiệp (DN) tiến nhanh và tiến xa hơn trong hành trình chinh phục các thị trường.
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại “Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng” do Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức vào sáng 11/12.
Qua 11 tháng năm 2019, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt.
Nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nội tại, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả. Trong khi đó, nhiều DN hiện chưa định hướng được chính sách, chiến lược để hướng tới sự phát triển bền vững (PTBV).
Tại diễn đàn, đánh giá về PTBV, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, 3 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến PTBV là nước, đất và không khí. Trước đây, khái niệm PTBV nghe xa xôi nhưng giờ nó đã trở nên thiết thực và gần gũi với đời sống của người dân, DN, và là sự sống còn của trái đất.
Ông đề cập tới câu chuyện gắn kết với xã hội, môi trường ở chỗ nào, động lực cho DN PTBV ở đâu. Ví dụ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy trình sản xuất tốt thì có được ưu đãi hay không. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV với 17 mục tiêu PTBV. Câu hỏi đặt ra là 17 chỉ tiêu này có gắn với PTBV để người dân và DN được biết hay không. Bao nhiêu DN Việt Nam đã có quy trình xanh hay bao nhiêu DN vi phạm về ô nhiễm? Hiện nay cả Việt Nam chưa đến 100 công trình xanh trên hàng vạn công trình nói chung. Điều này cho thấy rằng PTBV theo nghĩa rộng còn khoảng cách vô cùng xa với kỳ vọng. Trong khi đó, trên thực tế, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhưng việc thực thi và hoạt động lồng ghép chưa hiệu quả.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là doanh nghiệp Việt cũng ý thức hơn về yêu cầu phát triển bền vững. Nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và tận dụng cơ hội đầu tư – kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề còn vướng mắc như: Các chính sách chưa đi kèm với nguồn lực hoặc chưa hướng dẫn thực hiện kịp thời. Đơn cử như công nghiệp môi trường trong Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản.
Hay như nhận thức về yêu cầu thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững còn bất cập trong lựa chọn quy định bắt buộc áp dụng hay để doanh nghiệp tự nguyện; chất lượng thỏa ước lao động tập thể chưa cao; việc thanh tra, giám sát hay hệ thống thông tin cho giám sát, đánh giá còn chưa kịp thời, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường.
Do đó, để phát triển bền vững ông Nguyễn Anh Dương cho rằng: Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu các thực tiễn quốc tế tốt về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để lồng ghép ở mức độ thích hợp, có lộ trình vào khung chính sách của Việt Nam; đối thoại, tham vấn thực chất với doanh nghiệp về các quy định, thông lệ chính sách có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; dành các hỗ trợ phù hợp, không trái với cam kết quốc tế cho doanh nghiệp; bảo đảm nguồn lực để thực thi hiệu quả các chính sách đề ra; hoàn thiện hệ thống thông tin, thống kê phục vụ điều hành, đánh giá chính sách.
Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Dương nhấn mạnh, cần nâng cao hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm về phát triển bền vững gắn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động cân nhắc, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp hơn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững; tích cực đối thoại với các cơ quan chính phủ nhằm bảo đảm các chính sách đề ra phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Với kinh nghiệm về PTBV, ông Bjorn Savlid - Bí thư thứ hai, Trưởng đại diện Cơ quan Đầu tư Thương mại Thụy Điển nhấn mạnh: Đầu tư cho PTBV mang lại lợi ích. Theo nghiên cứu của Harvard, những công ty đầu tư cho PTBV mang lại kết quả cao gấp hai lần so với những công ty không đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đầu tư cho PTBV sẽ mang lại lợi ích cho cả xã hội và DN. Do đó, trong chiến lược quốc gia hướng đến PTBV, khuyến khích DN đặt ra mục tiêu cụ thể khi làm ăn trong và ngoài nước. Đại diện Thụy Điển nhấn mạnh ngay cả DN có quy mô nhỏ dù hoạt động trong hay ngoài nước đều luôn coi PTBV là điều cốt lõi, là thế mạnh, điểm nhấn để tiếp cận thị trường.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh- Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Giải pháp để phát triển bền vững chính là kinh tế tuần hoàn. Bởi PTBV là cách tiếp cận bao trùm và động chạm tới tất cả ngóc ngách cuộc sống, trong đó DN đóng vai trò cực kỳ quan trọng. PTBV trong DN không phải là vu vơ, mà chính là cơm áo gạo tiền, tạo ra hàng triệu việc làm, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Do đó, ông Vinh kiến nghị đưa mô hình kinh tế tuần hoàn áp dụng rộng rãi trong cộng đồng DN Việt Nam; kiện toàn hệ thống chính sách; nâng cao nhận thức, tư vấn kiến thức cho đông đảo DN về việc chuyển đổi mô hình sản xuất sang hình kinh tế tuần hoàn; đầu tư cho nghiên cứu khoa học hỗ trợ hình kinh tế tuần hoàn.