Phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị
Sáng 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Hội nghị cũng đã nhận được nhiều tham luận, đề xuất có tâm huyết và thiết thực từ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản lớn để có thể triển khai đầu tư xây dựng ngay quỹ nhà ở lớn cho công nhân và người dân nghèo.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao các báo cáo rất cụ thể, đầy đủ của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương về thực trạng kết quả thực hiện, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân và người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất; đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng này.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản phù hợp, trong đó chỉ đạo cụ thể các định hướng, giải pháp sửa đổi, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành, tiếp tục giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân, người thu nhập thấp.
Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (7,8 triệu m2), giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận khách quan, thẳng thắn để tập trung khắc phục sớm nhất có thể.
Cụ thể, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, như về đối tượng tham gia, thụ hưởng; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua – bán. Việc thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài, không gian sáng tạo, phát triển nhà ở xã hội còn chật hẹp so với yêu cầu; chưa tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý để phát triển nhà ở xã hội, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, sát thực tế, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư…
Ngân sách Nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; cũng chưa có cơ chế huy động các nguồn lực hợp tác công tư một cách hiệu quả, hệ thống.
Nhiều địa phương, nhất là người đứng đầu, chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa thực hiện phủ kín quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Thực tế cùng một cơ chế, chính sách, nhưng nơi nào người đứng đầu thực sự quan tâm, làm việc có cảm xúc thì sẽ ra kết quả cụ thể.
Bên cạnh nhiều doanh nghiệp rất quan tâm và làm tốt, thì nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình…
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, chúng ta phải thừa nhận vai trò của nhân dân trong phát triển các khu nhà trọ, bảo đảm nhà ở cho người lao động tại những nơi đông công nhân, nhưng quản lý Nhà nước còn chưa quan tâm, còn khoảng trống về pháp lý về lĩnh vực này. Thời gian tới, cần phát huy vai trò này của nhân dân, trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường nhưng có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước khi cần thiết để bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường.
Thủ tướng nêu rõ những quan điểm, định hướng lớn trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Thứ nhất, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quan tâm thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội thực chất, lành mạnh và bền vững.
Thứ hai, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Thứ ba, phát triển nhà ở xã hội , nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phù hợp với điều kiện của các địa phương.
Thứ tư, các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội để thúc đẩy phát triển toàn diện hơn lĩnh vực nhà ở xã hội. Đây là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị và sự tham gia của doanh nghiệp, người dân với trách nhiệm xã hội cao.
Thứ năm, song song với phát triển nhà ở xã hội, cần xây dựng và hoàn thiện quy định về phát triển các khu nhà trọ với quy chuẩn, điều kiện về không gian, vệ sinh, môi trường phù hợp, ngày càng văn minh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.