Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tài nguyên số còn hơn cả một 'mỏ vàng’

Trang Mai 16:11 | 24/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là lời khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023, được tổ chức sáng 24/5 tại Hà Nội.

Tìm giải pháp đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống cơ sở dữ liệu là một số nội dung chính được thảo luận tại diễn đàn lần này. 

Phát biểu tại khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không thể một người làm được, chuyển đổi số không thể một tổ chức làm được, chuyển đổi số không thể một nước, một chính phủ làm được. Mà chuyển đổi số, tất cả mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia thì chúng ta mới có tài nguyên số. Tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”. Đây là nguồn tài nguyên vô tận từ tư duy, sáng tạo và trí tuệ, giúp thay thế và phục hồi tài nguyên thiên nhiên”.

  Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham quan các gian hàng tại diễn đàn. Nguồn: Trang Mai

Theo Phó Thủ tướng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu. Trong một nghiên cứu, nếu tăng dân số mà giữ nguyên mô hình phát triển như trước đây thì phải tìm ra 3 trái đất, giàu tài nguyên thì mới đủ nuôi sống con người. Điều làm thay đổi thế giới sẽ là cuộc cách mạng công nghệ, đặc biệt là kinh tế số, chuyển đổi số, tài nguyên số. 

“Kinh tế số là định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam. Nước ta là một trong những quốc gia đã nhìn ra thách thức trong con đường phát triển, đó là con đường phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, netzero. Điều này là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn để Việt Nam thay đổi cơ bản mô hình phát triển, hướng tới nâng cao năng lực lao động, sức cạnh tranh phát triển kinh tế xã hội nhanh nhưng phải bền vững” - Phó Thủ tướng khẳng định. 

Xét về vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, khoa học công nghệ thay đổi liên tục, doanh nghiệp cũng vận động liên tục, các doanh nghiệp, các chuyên gia chuyển đổi số cần có trách nhiệm và chủ động tham vấn, xây dựng chính sách cùng Chính phủ.

"Chuyển đổi số là câu chuyện toàn cầu. Cả thế giới đang có nhu cầu chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần xác định tham gia chuyển đổi số là tham gia thị trường toàn cầu, là đi ra thế giới, giải quyết các bài toán lớn của quốc tế, và sau đó, mang những công nghệ, kinh nghiệm, những kiến thức, và sự đoàn kết có được, giải các bài toán của Việt Nam, đưa ra những mô hình kinh tế mới hiệu quả cho nền kinh tế; kiến tạo những giá trị mới cho đất nước, cuộc sống hạnh phúc cho người dân", Phó Thủ tướng khẳng định. 

Theo dữ liệu số trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu đến năm 2030, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, xếp hạng dữ liệu mở của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2020.

Theo Vietnam – Briefing thị trường dữ liệu của Việt Nam dự kiến đạt 1,82 tỷ USD vào cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường dự kiến là 5,32% trong giai đoạn 2023-2027. Đồng thời, năm 2023 đã được Bộ TT&TT xác định là "Năm dữ liệu số quốc gia" với 4 nhóm nội dung chủ yếu, bao gồm: Phát triển dữ liệu mở; Phát triển cơ sở dữ liệu; Phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.