Phó Thủ tướng: Xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng các thông tin quy hoạch dự án để đẩy giá đất
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có ý kiến về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2021.
Trong đó, trước tình trạng giá đất thời gian qua tăng chóng mặt, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (về quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án lớn…) để đẩy giá đát lên cao nhằm thu lợi bất chính.
Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Phó Thủ tướng cũng giao cho Bộ TM&MT tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.
Giá đất ở nhiều địa phương tăng chóng mặt sau tết
Đồng thời, Bộ TM&MT phải tăng cường chấn chỉnh công tác về quản lý đất đai quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản; công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch; thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt. Đặc biệt ở 1 số nơi giá đất tăng gấp 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng. Ở nhiều địa phương có hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án để tạo sóng. Thậm chí, nhiều nơi có hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: Đất rừng, đất ruộng, vườn. Nhiều cò đất thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
Điển hình, giá đất nền tại một số một số địa phương có tăng cao được ghi nhận như: Vùng ven Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và mới đây là Thanh Hóa; tại TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai…
Trước tình trạng trên, đến cuối quý I/2021, chính quyền một số địa phương đã vào cuộc rất mạnh mẽ kiểm soát các hoạt động mua - bán trái quy định pháp luật. Đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, tạo sóng gây sốt đất để trục lợi. Một loạt lãnh đạo các địa phương đã ra văn bản chấn chỉnh, siết việc giao dịch đất đai bất hợp pháp. Kết quả là trong 2 tuần trở lại đây, tình hình giao dịch đất nền trên thị trường đã chững lại.
H.A
Xem thêm: Bộ TNMT rà soát, thanh tra gần 30 tỉnh thành trên cả nước để ngăn chặn sốt đất