Phòng ngừa, giải quyết tranh chấp phát sinh trong các dự án PPP
Khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC nhận định, phát triển hạ tầng giao thông hiện đại để thúc đẩy kinh tế liên vùng, phát triển ngành năng lượng, phục vụ nhu cầu của sản xuất kinh doanh. Đồng thời, bảo vệ môi trường bền vững là hai trong các nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Nhu cầu đầu tư cho các công việc này là rất lớn, trong khi đó, nguồn lực từ xã hội là vô tận và đối tác công tư là một giải pháp tốt cho phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông…
Cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư hay còn gọi là PPP thực sự không chỉ phát huy tiềm lực về tài chính mà còn cả về công nghệ và quản trị cho sự nghiệp phát triển quốc gia. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư nếu được quản trị một cách minh bạch
Thông tin từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy, hiện đã có 8 vụ kiện nhà đầu tư – chính phủ tiếp nhận đầu tư (ISDS) mà Việt Nam là bị đơn.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) luôn mong muốn góp sức trong việc phòng ngừa rủi ro và quản lý, giải quyết tranh chấp thông qua ADRs (trọng tài, hòa giải và ban giải quyết tranh chấp).
VIAC đang triển khai mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua các hội thảo, diễn đàn trong lĩnh vực phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Tại Việt Nam, mô hình PPP đã được thực hiện cách đây hơn 20 năm, với khung pháp lý ban đầu là nghị định của Chính phủ quy định quy chế đầu tư có hợp đồng BOT.
Sau đó, được từng bước phát triển từ Nghị định số 15/2015 đến Nghị định số 63/2018. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư số 64 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
Luật PPP có rất nhiều điểm mới hướng tới thu hút nhiều nguồn lực hơn từ khu vực tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, “PPP vì con người” như khuyến nghị của Liên Hợp Quốc.
Bàn về cách phòng ngừa và giải quyết tranh chấp phát sinh từ các dự án PPP trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, ông Giang Đoàn, Chuyên gia quốc tế về PPP của USAID cho rằng, các dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư có đặc điểm là thường có giá trị lớn; thời gian thực hiện, vận hành dài.
Do đó, để đảm bảo hợp tác công tư bền vững, cả phía công là Nhà nước và phía tư là nhà đầu tư, ngoài nhiều yếu tố về quyền và nghĩa vụ đối ứng của từng bên, đều phải thực hiện cẩn trọng việc rà soát các rủi ro, khó khăn có thể xảy ra trong quá trình ký kết thực hiện của hợp đồng PPP thực hiện quản lý sớm và phòng ngừa các rủi ro có thể dẫn đến tranh chấp.
Các tranh chấp phát sinh trong quan hệ công-tư không chỉ giới hạn trong các tranh chấp hành chính, thương mại. Ở các hoạt động có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án lớn, trọng điểm, các tranh chấp này cũng hoàn toàn có khả năng thành các tranh chấp đầu tư.
Với nhiều chủ đề mới và quan trọng được đề cập trong nội dung của buổi hội thảo, cùng với những trải nghiệm thực tiễn của các doanh nghiệp. Đồng thời, những thông tin được cập nhật sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp những người đã và đang tư vấn hoặc tham gia tư cả ở phía nhà đầu tư hay phía Nhà nước đều có thể hiện thực hóa mối quan hệ hợp tác công – tư trong nhiều dự án lớn.
Các đại biểu tại hội thảo đều bày tỏ tin tưởng, hội thảo sẽ mang lại cách tiếp cận tốt hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hoặc xử lý từng vụ việc tranh chấp trong các dự án hợp tác PPP.
Cùng đó, quản lý các dự án PPP đạt hiệu quả và đảm bảo việc thực hiện các hợp đồng PPP và đảm bảo sự thành công của những dự án PPP trọng điểm. Đây chính là cơ sở để tạo dựng được niềm tin cho nhà đầu tư, qua đó thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của tư nhân vào phát triển hạ tầng và công nghiệp năng lượng của đất nước.