Phương án "dài hơi" để doanh nghiệp sản xuất trong đại dịch COVID-19

06:00 | 19/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp cho rằng triển khai "3 tại chỗ" chi phí lớn, quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông nhiều rủi ro dẫn đến phát sinh các ổ dịch mới nên mong muốn có các phương án khác.

Từ văn bản đến thực tiễn còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, phương án "3 tại chỗ" đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh lại gặp nhiều bất cập.

Giám đốc một doanh nghiệp có nhà máy chuyên làm hàng gia công cho châu Âu đặt ở quận 8, TP HCM cho biết bà lo lắng vì sau hơn 1 tháng áp dụng "3 tại chỗ", nhiều công nhân bắt đầu yêu cầu phải cho họ về nhà trọ, chứ không chịu ở tại nhà xưởng nữa vì đã quá mệt mỏi.

"Ngoài phải lo mọi chi phí tại chỗ cho người lao động, mỗi công nhân còn được hưởng thêm 300.000 đồng/ngày. Thế nhưng họ nhất quyết không chịu ở lại nữa. Có người còn chấp nhận nghỉ việc nếu công ty không đồng ý", nữ giám đốc này nói. 

Bà cho biết, vì đơn hàng đã ký với phía đối tác, nên phải cố gắng duy trì sản xuất dù chi phí đội lên quá cao. Ngay từ khi quyết định "3 tại chỗ", bà đã tìm cách liên hệ với chính quyền phường, quận, Sở Công Thương, nhưng đều không có chỉ dẫn cụ thể, chỉ chuyển cho nội dung tiêu chí "3 tại chỗ" để tham khảo.

"Hơn 1 tháng duy trì đã quá mệt mỏi, trong khi tôi theo dõi thấy cũng có nhiều đề xuất của các hiệp hội gửi lên Thành phố, nhưng rồi vẫn không có một phương án cụ thể, phù hợp với thực tiễn nào đưa ra. Hôm qua, nóng ruột quá tôi lại gọi lên phường thì lãnh đạo ở đây cũng chỉ nói là ráng chờ thêm chỉ đạo của thành phố, chứ họ cũng không biết phải hướng dẫn doanh nghiệp ra sao", vị giám đốc cho biết.

Ông Nguyễn Trí Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho biết thêm, sau thời gian hoạt động theo phương án 3 tại chỗ kéo dài nhiều doanh nghiệp đã muốn ngưng vì chi phí phát sinh và nhiều bất cập.

Chia sẻ về các thông tin trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do số lượng các doanh nghiệp cũng như công nhân ở các tỉnh phía Nam nhiều hơn hẳn Bắc Ninh, Bắc Giang, trong khi dịch đã lan rộng từ trước khi bắt đầu áp dụng "3 tại chỗ". Ngoài vấn đề chi phí để thiết lập phương án "3 tại chỗ", phương án này không thể đảm bảo duy trì được 100% lượng công nhân.

Bên cạnh đó, do dịch đã lan rộng trong cộng đồng xung quanh nên doanh nghiệp luôn ở trong tình trạng bị đe dọa bùng phát dịch, khi đó chi phí để xử lý ổ dịch còn tốn kém hơn nữa. Do vậy, một số doanh nghiệp sau thời gian áp dụng "3 tại chỗ" đã phải dừng, chấp nhận đóng cửa nhà máy.

Nghiên cứu phương án đường dài để doanh nghiệp sản xuất trong đại dịch COVID-19

“Không có sản xuất thì không có hàng hóa để lưu thông trong nước và xuất khẩu. Doanh nghiệp dừng sản xuất thì các lô hàng nhập khẩu cũng không được tiếp nhận, xử lý, gây nên tình trạng ùn tắc tại cảng. Trong khi đó, vận chuyển đường bộ dù đã được tháo gỡ nhưng vẫn có những khó khăn ở từng chốt, trạm cụ thể do lực lượng thi hành”, ông Trần Thanh Hải cho hay.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu dẫn chứng, một doanh nghiệp điện tử cho biết, cứ mỗi tuần dừng sản xuất thì phải cần ít nhất 2  - 3 tuần để phục hồi. Đến nay, doanh nghiệp dừng sản xuất đã 5 tuần, như vậy ngay cả lúc này nếu được hoạt động trở lại thì cũng phải 3 - 4 tháng nữa doanh nghiệp mới có thể mong trở lại tình trạng như trước khi có dịch. Mà đến thời điểm này, vẫn chưa thể biết khi nào doanh nghiệp sẽ được hoạt động trở lại, khi TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 15/9.

Đề xuất nhiều phương án sản xuất tại chỗ để doanh nghiệp lựa chọn

Trước bối cảnh nhiều địa phương các tỉnh phía Nam tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CP-TTg đến ngày 31/8, riêng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đến ngày 15/9, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động thay đổi phương án sản xuất cho phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp đã gặp không ít bất cập và cần được tháo gỡ kịp thời.

Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhằm ổn định hoạt động sản xuất trong tình hình mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra 4 phương án sản xuất tại chỗ để doanh nghiệp lựa chọn.

Cụ thể:

Phương án 1 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất.

Phương án 2 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án "1 cung đường 2 địa điểm” hoặc phương án "1 cung đường 2 địa điểm" mở rộng.

Cùng với đó, phương án 3 doanh nghiệp có thể kết hợp cả 2 phương án sản xuất theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm;”

Phương án 4 doanh nghiệp tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm nhân lực xanh người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh; trong đó, người lao động xanh được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa nơi làm việc xanh, nơi ở xanh theo một cung đường xanh nhưng không được dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao trong các khung giờ phù hợp.

Trong các phương án đề xuất trên, phương án “4 xanh” đã được nhiều doanh nghiệp ủng hộ.

Nghe tin thành phố đưa ra phương án người lao động sẽ được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh" và "nơi ở xanh", ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt tỏ ra phấn khởi vì TP đã có phương án tối ưu giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.

Tuy nhiên, ông Thiện và công nhân vẫn đang sốt ruột chờ hướng dẫn chi tiết của chính quyền TP.HCM và cơ quan chức năng để thay đổi phương án sản xuất. "Hiện công ty vẫn phải tiếp tục duy trì mô hình cũ, trong khi tâm lý công nhân mong ngóng để được về nhà. Việc đăng ký như thế nào, với ai, tiêu chí cụ thể ra sao vẫn chưa có", ông bày tỏ.

Hơn nữa, ông Thiện cho biết 80-90% người lao động của công ty đều ở những nhà trọ xung quanh công ty do đó thực hiện phương án "4 xanh" rất thuận lợi. 

"Nếu thực hiện phương án đó, chúng tôi sẽ yêu cầu người lao động ký cam kết chỉ di chuyển từ nhà đến công ty, không được đến điểm thứ ba trong khoảng thời gian bất kỳ. Thậm chí việc đi chợ cũng do công đoàn công ty đứng ra tổ chức đi chợ hộ, đặt thực phẩm đưa đến nhà trọ cho các công nhân", Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chia sẻ.

Theo ông, phương án “4 xanh” sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất trong giải quyết đứt gãy chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động trong thời gian hiện nay.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác cũng rất mong TP.HCM sớm có phương án giúp họ có thể mở cửa sản xuất.

"Ngoài ra, TP.HCM cần thống nhất chủ trương và phổ biến hướng dẫn chi tiết đến từng quận, huyện, vì hiện nay khó khăn nhất chính là nằm ở địa phương. Nếu thực hiện “4 xanh”, lao động được đi về nhà thì họ cần giấy tờ gì để di chuyển qua các chốt chặn", chủ một doanh nghiệp may mặc ở huyện Bình Chánh đề nghị.

Ông Phạm Thanh Trực - Phó ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết hiện có một số doanh nghiệp đã bắt đầu đăng ký để thực hiện sản sản xuất trở lại nhằm giải quyết các đơn hàng tồn đọng và giữ chân lao động.

Tuy nhiên, theo ông Trực, chủ trương của các phương án là tốt nhưng doanh nghiệp chưa thể thực hiện do vướng quy định của Chỉ thị 16 là “ai ở đâu ở đó”, dẫn tới việc tập kết người lao động từ nơi ở đến khách sạn/doanh nghiệp khó khăn. 

"Sở Công Thương TP.HCM cần có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp biết với trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh có được tiếp tục làm việc không và F1 không có triệu chứng sẽ cách ly như thế nào", ông đề xuất.

Linh hoạt giải pháp giúp doanh nghiệp sinh tồn

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong công văn số 4769 ngày 6/8/2021 gửi Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số giải pháp để đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại. Cụ thể là, ngoài các quy định về hình thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", nên bổ sung các hình thức duy trì sản xuất khác cho doanh nghiệp được lựa chọn.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.

Ngoài ra, quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh) tuỳ vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh. Địa phương khi quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xem xét, quyết định.

Theo ông Trần Thanh Hải, những đề xuất này là khá tổng hợp và sát với thực tế hiện nay để hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, từng bước giúp doanh nghiệp nhanh chóng mở cửa trở lại.

“Tôi cho rằng, để hiện thực hóa ý tưởng tạo "vùng xanh" cho sản xuất, nên cho phép những doanh nghiệp đã có đa số công nhân đã được tiêm vắc xin, đáp ứng yêu cầu giãn cách trong sản xuất, trang bị đầy đủ phòng hộ cá nhân được hoạt động trở lại, không yêu cầu phải "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm”, ông Trần Thanh Hải kiến nghị. 

Còn theo Chủ tịch VCCI, với tình hình hiện tại, vaccine là giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60 - 70% dân số, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài với những biến thể phức tạp. Do đó, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuyển trạng thái. Các biện pháp cấp bách không thể kéo dài được, mà phải tính phương án từng bước mở cửa nền kinh tế như thế nào, làm sao để doanh nghiệp vừa phòng dịch vừa sản xuất kinh doanh. Việc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo để đưa ra các phương thức mới, thích ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay.

Người đứng đầu VCCI cũng cho rằng giai đoạn khó khăn do đại dịch này cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và thể chế nói chung, bởi đây là lúc dễ tiến tới những đồng thuận hơn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

“Cải cách thể chế chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt nhất cho sự bứt phá vươn lên sau đại dịch”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh. 

Hoa Trần (T/h)

Xem thêm: Không `gồng gánh` được `3 tại chỗ`, doanh nghiệp muốn công nhân được đi làm từ nhà