PVOIL: Thương hiệu dẫn đầu về dầu thô, khẳng định vị trí thứ 2 ngành xăng dầu
Tổng công ty Dầu Việt Nam PVOIL
Được thành lập từ ngày 06/06/2008, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) được hợp nhất từ các đơn vị Tổng công ty Thương mại dầu khí (PETECHIM), Công ty Chế biến và Kinh doanh phân phối sản phẩm dầu mỏ (PDC).
Trong đó, Tổng công ty Thương mại dầu khí (PETECHIM) được thành lập từ ngày 08 tháng 4 năm 1994, có tiền thân là Công ty thương mại Dầu khí (PetroVietnam Trading Company). Nhiệm vụ chính của công ty là xuất nhập khẩu dầu thô và vật tư thiết bị dầu khí khi chính thức tiếp nhận tên giao dịch quốc tế PETECHIM từ Công ty xuất nhập khẩu dầu khí thuộc Bộ thương mại.
Công ty Chế biến và Kinh doanh phân phối sản phẩm dầu mỏ (PDC) có lịch sử thành lập từ năm 1996 khi sắp xếp lại tổ chức 2 công ty Lọc hóa dầu Tuy Hạ và Công ty Dầu mỡ nhờn VIDAMO. Công ty sáp nhập thêm 2 xí nghiệp kinh doanh xăng dầu thuộc công ty PTSC. Thông qua đó, PDC trở thành đơn vị chủ chốt của ngành Dầu khí khi kinh doanh và phân phối dầu mỏ trên khắp Việt Nam.
Sau khi thành lập, PVOIL luôn là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
Tới tháng 08 năm 2018, PVOIL chính thức cổ phần hóa thành công và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau khi tổ chức phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chứng vào ngày 25 tháng 01 năm 2018 và tổ chức thành công đại hội cổ đông lần thứ nhất vào cuối tháng 7 năm 2018.
Hiện nay, PVOIL được lãnh đạo bởi bộ máy tổ chức bao gồm:
Hội đồng quản trị với ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT cùng 6 thành viên HĐQT là ông Đoàn Văn Nhuộm, ông Trần Hoài Nam, ông Lê Văn Nghĩa, ông Nguyễn Mậu Dũng, ông Hạng Anh Minh, ông Lê Ngọc Quang,
Ban Điều hành với Tổng Giám đốc là ông Đoàn Văn Nhuộm, cùng với 6 vị Phó Tổng giám đốc là ông Võ Khánh Hưng, ông Nguyễn Anh Toàn, ông Lê Xuân Trình, ông Nguyễn Tuấn Tú, ông Vũ Hoài Lam, ông Nguyễn Đăng Trình và Kế toán trưởng là ông Nguyễn Ngọc Ninh.
Ban Kiểm soát gồm ông Nguyễn Đức Kện là Trưởng Ban kiểm soát, cùng với 2 thành viên khác là ông Phạm Thanh Sơn và bà Trần Thị Phượng.
Tổng Giám đốc Cao Hoài Dương ví von “PVOil chưa phải là cô gái xinh đẹp nhưng là cô gái chân dài”
Hoạt động kinh doanh của PVOIL
Xuất nhập khẩu và kinh doanh dầu thô - Lĩnh vực đặc thù, truyền thống và hiệu quả nhất
Đến nay, PVOIL vẫn là đơn vị duy nhất của nước ta tổ chức tiếp thị và thực hiện dịch vụ ủy thác xuất bán dầu thô Việt Nam khai thác tại 18 mỏ dầu ở trong và ngoài nước, cũng như cung cấp và nhập khẩu dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Tính đến nay PVOIL cung cấp 07 triệu tấn/năm cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và 350 triệu tấn dầu thô được xuất bán an toàn.
Kinh doanh dầu quốc tế
Đây là hoạt động kinh doanh mở rộng giúp PVOIL được khẳng định vị thế giá trị kinh doanh sản phẩm dầu trong khu vực. Công ty thành viên PVOIL Singapore được thành lập năm 2011 chuyên triển khai kinh doanh dầu thô quốc tế và tính đến nay, sản lượng đã lên tới 11 triệu tấn.
PVOIL Singapore hiện tại có 49% vốn góp thuộc đối tác chiến lược là Tập đoàn Sebrina Holdings từ đầu năm 2016 để nâng tầm quy mô lên Trader thế giới.
Kinh doanh phân phối các sản phẩm dầu
Phân phối xăng dầu, PVOIL chiếm 15% thị phần với 600 cửa hàng xăng dầu trực thuộc, sản lượng 3 triệu m3, tấn/năm. Trong đó, tỷ trọng phân phối qua kênh bán lẻ tại CHXD liên tục tăng, đến tháng 12/2020 đạt 29,4%.
Đơn vị tiếp tục khẳng định được vị trí thứ 2 trên thị trường xăng dầu của mình, mặc dù doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có sự gia tăng đột biến về số lượng trong thời gian gần đây.
Trong lĩnh vực sản xuất, chế biến xăng dầu, dầu mỡ nhờn, nhiên liệu sinh học, PVOIL Phú Mỹ cũng đang có công suất chế biến 130.000 tấn condensate/năm với 01 nhà máy và 03 nhà máy nhiên liệu sinh học với tổng công suất 300 ngàn m3 E100/năm. Sản lượng xăng thành phẩm hiện ổn định ở mức trên 600 nghìn m3/năm, chiếm khoảng 20% tổng lượng xăng tiêu thụ qua hệ thống PVOIL.
Mục tiêu của PV Oil là nâng cao thị phần trong nước
PVOIL LUBE kế thừa từ giá trị thương hiệu VIDAMO tiếp tục sản xuất sản phẩm dầu mỡ nhờn có công suất 20 nghìn tấn/năm với trên 140 loại dầu mỡ bôi trơn khác nhau.
Hiện nay, PVOIL đã có mạng lưới phân phối rộng khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước với hơn 600 cửa hàng xăng dầu và 3.000 đại lý.
PVOIL 2020: Vượt qua khó khăn với nhiều điểm sáng
Theo kết quả hoạt động kinh doanh của PVOIL quý III năm 2020, doanh thu thuần của PVOIL đạt 11.579 tỷ đồng, giảm 9.243 tỷ đồng, tương đương 44,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các chỉ số khác như lãi gộp đạt 489 tỷ đồng, giảm 106 tỷ đồng, tương đương 17,8% so với cùng kỳ năm trước; giá vốn đạt 11.090 tỷ đồng, giảm 9.137 tỷ đồng, tương đương 45,2% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, ảnh hưởng kép của dịch Covid-19 và suy giảm giá dầu đã kéo theo lợi nhuận kinh doanh của PVOIL nói riêng và toàn ngành nói chung sụt giảm. Trong khi cùng kỳ năm trước lãi 295 tỷ đồng thì lũy kế 9 tháng năm 2020, PVOIL lỗ hợp nhất trước thuế là 305 tỷ đồng và sau thuế là 367 tỷ đồng.
Tại quý IV/2020, doanh thu đã giảm 56% nhưng lợi nhuận gấp 10 lần cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần quý 4 đạt 9.091 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ; nhưng lợi nhuận gộp đạt 621 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 1%.
Giá vốn giảm do biến động giá xăng dầu thế giới đã cải thiện mạnh mẽ biên lợi nhuận gộp của PV Oil khi các chi phí tài chính giảm hơn 50% trong kỳ.
Lãi thuần quý 4/2020 ghi nhận 112 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần. Bên cạnh đó, phần lợi nhuận khác 70 tỷ đồng, thúc đẩy kết quả cuối cùng của PV Oil. Lợi nhuận ròng đạt 190 tỷ đồng, gấp 5,6 lần quý 4/2019. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 142 tỷ đồng, gấp 10 lần.
Có thể thấy quý IV đã xuất hiện nhiều điểm sáng sau một năm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là khi so sánh với lỗ ròng tới 538 tỷ đồng của quý I/2020.
Như vậy, trong cả năm 2020, PV Oil thu về 50.010 tỷ đồng doanh thu, với biên lãi gộp 3,9%. Công ty lỗ ròng 177 tỷ đồng, lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ 124 tỷ đồng. Giá trị tổng tài sản cuối kỳ của PV Oil giảm 17% xuống còn 20.050 tỷ đồng.
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PV Oil giới thiệu cơ hội đầu tư
Giá trị cổ phiếu PVOIL tăng trần tháng 3 năm 2021
Năm 2018, PVOIL tổ chức thành công phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), giá đấu thành công bình quân là 20.196 đồng/ cổ phần. Mã cổ phiếu trên trên thị trường UPCoM của đơn vị là OIL.
Điều này cho thấy PVOIL đã chứng minh sức hút của mình đối với các nhà đầu tư. Với khối lượng chào bán 20% vốn điều lệ, tức là gần 207 triệu cổ phần, giá khởi điểm là 13.400 đồng/ cổ phần, tổng giá trị chào bán của PVOIL đạt hơn 2.770 tỷ đồng và đã được 3.195 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua hết với khối lượng đăng ký hơn 483 triệu cổ phần, gấp 2,33 lần khối lượng chào bán.
Tới đầu tháng 3 năm 2021, cổ phiếu ngành Dầu khí bung năng lượng mới. Trong khi hầu hết các cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, xây dựng, thép, khu công nghiệp…đều giảm điểm thì nhóm dầu khí ngược dòng bứt phá với hàng loạt mã tâm điểm như PVS, PVD, PVB, PVC, PVT, BSR, OIL… trong đó nhiều mã tăng gần hết biên độ.
Trong đó, cổ phiếu OIL tăng trần. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn duy trì giá trị ổn định. Giá trị vẫn đang ở bứt phá mạnh từ tháng 10 đến nay là điểm sáng đầu năm 2021 của Tổng công ty Dầu Việt Nam.
Xem thêm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex: 65 năm hành trình khẳng định bản lĩnh `cánh chim đầu đàn`
Phương Thúy