Quận 7 chuẩn bị những gì để thí điểm 'mở cửa' từ ngày 15/9?
Lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế ở TP.HCM
TP.HCM sẽ chia lộ trình “mở cửa’ nền kinh tế thành 3 giai đoạn cụ thể như sau:
Giai đoạn 1, dự kiến từ 16/9 - 31/10, cá nhân, lao động có Thẻ xanh COVID (người tiêm 2 mũi vaccine, đủ thời gian tạo kháng thể; người nhiễm COVID-19 và khỏi trong vòng 6 tháng) có thể tham gia các hoạt động, trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại.
Cá nhân, lao động có Thẻ vàng COVID, có xét nghiệm âm tính với COVD-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể. Riêng tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID được tham gia tất cả các lĩnh vực trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại.
Tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có Thẻ xanh COVID hoặc Thẻ vàng COVID tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.
Giai đoạn 2, dự kiến từ 31/10/2021 đến 15/1/2022, TP.HCM sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có Thẻ xanh COVID gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Đến giai đoạn 3, dự kiến sau 15/1/2022, TP.HCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có Thẻ xanh COVID.
Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, để có thể sớm nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế, TP.HCM sẽ tập trung quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch và có phòng chống dịch hiệu quả mới có thể phục hồi kinh tế. Việc nới lỏng, mở cửa phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Phục hồi nền kinh tế chỉ có thể thực hiện sớm, mở rộng nhanh khi tình hình cải thiện tốt.
Về các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, các vấn đề về lao động, thị trường, đầu vào, đầu ra, thủ tục hành chính… cần có những chính sách từ cấp quốc gia và của thành phố. Thành phố sẽ tổng hợp các kiến nghị về chính sách để trình Chính phủ, Quốc hội. Riêng những chính sách thuộc thẩm quyền TP.HCM, dù nhỏ vẫn sẽ sớm xem xét để ban hành phù hợp.
“Vì không còn nhiều thời gian nên có thể sẽ có "độ trễ" nhất định trong ban hành chính sách, TP.HCM mong cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ và có sự chuẩn bị phù hợp với tiến trình”, ông Phan Văn Mãi bày tỏ, đồng thời cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phát triển và phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Kế hoạch chuẩn bị “mở cửa” của Quận 7
Là 1 trong 3 quận, huyện ở TP.HCM được thí điểm 'mở cửa' từ ngày 15/9, trả lời trên báo VnExpress, ông Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7 cho biết, địa phương đang ráo riết tập trung cao hơn so với kế hoạch dự kiến của thành phố vì địa bàn được chọn thí điểm "mở cửa". Bước đi đầu tiên của quận phải phục hồi sản xuất, các dịch vụ (ngân hàng, công chứng) và kinh doanh mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thuốc men...).
"Chúng tôi phải đảm bảo gần như tuyệt đối an toàn mới làm được. Quận cố gắng mở cửa rất nhanh nhưng hết sức chắc chắn, và mở từng bước, không làm đại trà", ông Thái nói và cho biết địa phương đã xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với người dân được cấp thẻ xanh COVID, cũng như tiêu chí cụ thể cho nhà xưởng, siêu thị, cửa hàng nào được hoạt động trở lại.
Theo ông Thái, điều kiện cơ bản nhất để các cửa hàng dịch vụ hay cơ sở sản xuất được hoạt động lại là phải "xanh". Để được mở cửa lại, cửa hàng phải đảm bảo các tiêu chí: không có F0; tất cả nhân viên đã tiêm vaccine mũi 1, 30% mũi 2 theo tiến độ chung của quận; địa phương đó là "vùng xanh".
Ngoài ra, cơ sở phải đạt một số tiêu chí của quận như tổ dân phố nơi đó phải kiện toàn tổ an sinh, tổ y tế. Nơi kinh doanh phải có tổ y tế hình thành trên cơ sở chính nhân viên của điểm kinh doanh đó (test nhanh 3 ngày một lần, đo thân nhiệt... cho nhân viên), phải kết nối phần mềm với Ban chỉ đạo để khi xảy ra tình huống có thể xử lý ngay.
Cũng theo ông Thái, quận sẽ dùng giải pháp công nghệ để kiểm soát từng người khi "mở cửa", trong đó thẻ xanh COVID là giải pháp đầu tiên. Quận đã xây dựng các tiêu chí cụ thể với người dân được cấp thẻ xanh. Hiện Bộ và Sở Thông tin và Truyền thông cũng như một số doanh nghiệp về công nghệ đang hỗ trợ quận làm việc này, dự kiến vận hành thử từ ngày 13/9.
Khi bắt đầu "mở cửa", người dân ở quận 7 có thẻ xanh COVID có thể đi lại ở những "vùng xanh" trên địa bàn quận. Hiện, tỷ lệ "vùng đỏ" của quận chỉ còn khoảng 20%. Địa phương đang xây dựng phần mềm để cảnh báo người có "thẻ xanh COVID" không được đi đến "vùng đỏ", hoặc ngược lại cảnh báo người đang ở "vùng đỏ" không ra khỏi khu vực này.
Về vấn đề kiểm soát dịch trong thời gian tới, ông Thái cũng cho biết quận đang tập huấn cho người dân tự test nhanh. Địa phương sẽ test lại toàn bộ người dân với chu kỳ 7 ngày một lần để làm "sạch" địa bàn vừa bằng phương pháp test nhanh vừa làm RT- PCR. "Mục tiêu làm sao giảm đến mức thấp nhất F0 trên địa bàn và có giải pháp xử lý ngay", ông Thái nói.