Quảng Trị "chạy đua" với bão, giúp dân chằng chống nhà cửa, đưa thuyền vào neo đậu

10:02 | 11/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại trước khi bão đổ bổ, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào bờ. Cùng với đó, UBND tỉnh này cũng đã ra công điện khẩn sẵn sàng ứng phó với bão.

Trước tình hình cơn bão số 5 (Conson) sắp đổ bộ vào đất liền, tại các tỉnh miền Trung, nhiều địa phương đã tiến hành các chủ trương, biện pháp khẩn trương ứng phó với cơn bão.

Quân dân cùng chạy đua với bão

Tại Quảng Trị, để chủ động ứng phó với bão số 5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục kêu gọi số tàu thuyền trên tìm nơi an toàn để trú, tránh bão.

Tại cảng Cửa Việt, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã triển khai  hỗ người dân chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền lên bờ để neo đậu, nhằm tránh bão. Đồn Biên phòng Cảng Cửa Việt cũng huy động các chiến sĩ mang loa tuyên truyền tới người dân về công tác phòng chống bão. Yêu cầu người dân không ở lại trên các thuyền bè.

Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị hỗ trợ người dân đưa tàu, thuyền vào bờ

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCBL, TKCN Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, đến 16h chiều nay đã có 2.312 chiếc/7.163 lao động trên địa bàn tỉnh nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão số 5. Trong đó, số tàu nội tỉnh neo đậu an toàn tại bến của tỉnh Quảng Trị là 2.301 chiếc/7,036 thuyền viên. Số tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị đang hoạt động trên biển là 11 chiếc/127 thuyền viên hoạt động quanh khu vực đảo Cồn Cỏ.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, vào chiều 10/9, tại tỉnh còn khoảng 20% diện tích lúa hè thu chưa chín tới, nên chưa được thu hoạch với tổng diện tích hơn 5.500 ha, nhiều nhất là tại huyện Gio Linh và Cam Lộ. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch hoàn thành diện tích lúa và hoa màu vụ Hè Thu, đồng thời có các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn khiến điểm cầu ở thôn Sê Pu nằm trên tuyến đường duy nhất vào thôn Cù Bai -Tà Păng (xã Hướng Lập) bị nước cuốn trôi khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập. Lực lượng thuộc Đồn Biên phòng Hướng Lập phối hợp với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, đoàn viên thanh niên và chính quyền địa phương làm cầu, đường tạm để cho người dân đi lại.

Giúp người dân chằn chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ

Cũng trong chiều 10/9, đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Trị do Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã có buổi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 5 tại cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh) và xã Triệu An (huyện Triệu Phong).

Tại buổi kiểm tra, Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị cho biết, để ứng phó với bão số 5, đơn vị đã chỉ đạo toàn thể cán bộ, chiến sĩ của các đồn biên phòng tập trung lực lượng, giúp dân tránh trú.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, trước diễn biến phức tạp của bão số 5, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương, các lực lượng chức năng kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão an toàn.

“Ngoài việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cập nhật tình hình, ứng phó với bão, tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các địa phương ven biển tiếp nhận, hỗ trợ các tàu thuyền của những ngư dân ngoại tỉnh.

Tuy nhiên, trước diễn biễn phức tạp của dịch Covid-19, sau khi vào bờ, những ngư dân ngoại tỉnh và các ngư dân địa phương đã đánh bắt ngoài khơi thời gian quá 7 ngày đều được xét nghiệm nhanh Covid-19 và đưa đi cách ly tập trung”, ông Đồng cho biết.

Được biết, đến chiều 10/9, có 76 tàu thuyền với 493 lao động của các địa phương khác vào neo đậu ở các Đồn Biên phòng Triệu Vân, Cửa Tùng, Cảng Cửa Việt (Quảng Trị). Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên – Huế 7 chiếc với 58 thuyền viên, Quảng Ngãi 20 chiếc với 153 thuyền viên, Quảng Bình 2 chiếc với 3 thuyền viên, Bình Định 42 chiếc với 238 thuyền viên, Quảng Nam 3 chiếc với 23 thuyền viên, Nghệ An 2 chiếc với 18 thuyền viên. Trước khi vào neo đậu, lực lượng chức năng tại các chốt liên ngành đã tiến hành kiểm tra y tế, test nhanh đối với các thuyền viên trên các tàu ngoại tỉnh theo đúng quy định công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Quảng Trị ra công điện khẩn ứng phó với bão

Nhằm khẩn trương ứng phó với bão số 5, chiều 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có Công điện khẩn số 03/CĐ-UBND tập trung ứng phó với bão số 5 (bão Conson) và mưa lũ.

 Mưa lớn khiến điểm cầu ở thôn Sê Pu nằm trên tuyến đường duy nhất vào thôn Cù Bai -Tà Păng (xã Hướng Lập) bị nước cuốn trôi

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện ven biển tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi trú tránh an toàn; yêu cầu các chủ phương tiên phải có phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu ở khu vực cửa sông (Cửa Việt, Cửa Tùng), tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người; hướng dẫn việc chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú; tổ chức neo đậu, chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại, trong đó lưu ý tại các khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá. Thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với cảng cá, nhất là đối với tàu thuyền và bà con ngư dân các tỉnh bạn vào neo đậu, tránh trú trên địa bàn tỉnh; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19h ngày 10/9. Việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh hoàn thành trước 16h ngày 11/9.

Đối với UBND huyện, thị xã, thành phố phải rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lũ, nhất là đối với các vùng dọc bờ biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng thường xuyên ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét, ngập cục bộ và vùng có nguy cơ sạt lở bãi thải tại các công trình điện gió đang thi công; chủ động triển khai công tác sơ tán dân, tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực sơ tán. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, lán trại thi công, trường hợp cần thiết phải thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nhu yếu phẩm tại các điểm sơ tán tập trung, đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung, biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định; công tác sơ tán dân tránh bão phải hoàn thành trước 19h ngày 12/9.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động phương tiện, lực lương thu hoạch lúa, hoa màu vụ Hè Thu và diện tích nuôi trồng thủy sản; kiểm tra, rà soát việc thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” ở cấp cơ sở, chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông ở các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư và phương tiện để ứng cứu kịp thời, khắc phục nhanh các sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt sau thiên tai. Kiểm tra, rà soát các hồ chứa, các công trình đang thi công, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý khi có sự cố nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

 Các trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học từ ngày 12/9 đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và dành thời gian để giáo viên tham gia tổ chức phòng, chống bão tại trường học.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình tại Khu neo đậu Nam Cửa Việt 

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sư đoàn 968, rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện thường trực để ứng cứu, hỗ trợ sơ tán dân khi có lệnh điều động. Công an tỉnh sẵn sàng triển khai lực lượng chốt chặn, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm sơ tán, nghiêm cấm người qua lại ở các khu vực nguy hiểm như bến đò, khu vực sạt lở đất, lũ quét, các ngầm tràn.

Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là ở các địa điểm sơ tán dân tập trung tránh bão, lũ. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tham gia ứng phó bão, mưa lũ thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả.

Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo nhiệm vụ được phân công, trực tiếp về địa bàn để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị tập trung triển khai ngay việc gia cố, chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, hệ thống điện, thông tin liên lạc; đặc biệt đối với các nhà có mái lợp không kiên cố, các trường học, bệnh viện, khu cách ly, các công trình đang thi công, bảng hiệu, biển quảng cáo. Đồng thời triển khai đồng bộ việc cắt tỉa cành cây, chằng chống cây trong đô thị, khu dân cư, tại trụ sở các cơ quan, đơn vị; các công việc này phải thực hiện xong trước 18 giờ ngày 11/9.

Xem thêm: Tỉnh Quảng Trị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch