Quản lý chuyên ngành hàng hóa XNK: Những vấn đề cần giải quyết
Hội thảo “Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu: Kết quả và các vấn đề cần tiếp tục giải quyết” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội, ngày 13/6.
Tại đây, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) đã phân tích kỹ kết quả thực hiện Nghị quyết 19 (NQ 19) các năm 2015-2017 của Chính phủ về QLKTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó thẳng thắn chỉ rõ nhóm những chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra từ các nghị quyết trước nhưng chưa hoàn thành.
Ông Bình cho biết: Trong 4 năm liên tiếp, từ 2014-2017, Chính phủ đã ban hành các NQ 19 với những trọng tâm xuyên suốt: Cải cách thủ tục hải quan, cải cách toàn diện các quy định QLKTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo đó, NQ yêu cầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế trong hoạt động QLKTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự hợp tác chặt chẽ của hiệp hội các ngành hàng, các doanh nghiệp trong thực hiện NQ 19, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực quốc gia.
Cụ thể, nguyên tắc quản lý rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong QLKTCN đã được áp dụng trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm.
Đã chuyển căn bản từ tiền kiểm sang hậu kiểm hàng hóa. Theo số liệu của Hải quan Hải Phòng tại thời điểm tháng 3/2018, tỷ lệ chuyển hậu kiểm ở lĩnh vực an toàn thực phẩm chiếm 90%, lĩnh vực kiểm tra chất lượng thuộc quản lý của Bộ Xây dựng là 100% và của Bộ Khoa học và công nghệ là 95%.
Về điện tử hóa thủ tục QLKTCN, kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, theo Hải quan Hải Phòng tại thời điểm tháng 3/2018, có có 11 Bộ, ngành và 21 cơ quan QLCN với 47 thủ tục hành chính, 28 cơ quan, đơn vị KTCN đã kết nối thực hiện.
Thời gian thông quan hàng hóa đã giảm từ 70 giờ xuống còn 48 giờ đối với hàng hóa không phải kiểm dịch, theo đánh giá của Hải quan Hà Nội.
Cùng với đó, đã có những thay đổi cách thức quản lý, kiểm tra dán nhãn hiệu suất năng lượng, bãi bỏ các quy định không có hiệu quả thực tế, kéo dài thời gian thông quan, gây khó khăn và tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành
Còn nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành là điểm nhấn được ông Phạm Thanh Bình đưa ra tại Hội thảo.
Đó là yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro trong QLKTCN mới chỉ được áp dụng trên lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm. Yêu cầu áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong quản lý QLKTCN đến nay chưa có lĩnh vực nào được áp dụng.
Trong vận hành cơ chế hải quan một cửa quốc gia, số thủ tục thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia còn rất nhỏ so với tổng số các thủ tục mà doanh nghiệp đang phải thực hiện. Đa số các cơ quan, đơn vị đều mới áp dụng điện tử một phần, vừa thực hiện thủ tục điện tử, vừa yêu cầu phải nộp hồ sơ giấy.
Những vướng mắc về xác định, tham vấn xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn chưa được giải quyết. Quyết định phân luồng, phân loại vẫn chưa đảm bảo chính xác, làm cho doanh nghiệp phân vân về tính khách quan của các quyết định.
Việc cải cách thủ tục quản lý, QLKTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trở thành vấn đề lớn nhất, gây nhiều phản ứng, bức xúc của doanh nghiệp, ông Bình chia sẻ.
Đồng thời, cách thức quản lý, kiểm tra hiệu suất năng lượng vẫn còn hình thức, gây lãng phí lớn, tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Những hàng hoá, sản phẩm không có quy chuẩn quốc gia vẫn bị yêu cầu chứng nhận, công bố hợp quy…
Những điểm "mờ" cần được làm sáng
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, hiện doanh nghiệp rất sợ những bất định. Cần giới hạn tối đa những "điểm mờ" để doanh nghiệp có thể tiên liệu được những rủi ro vốn không chỉ là tăng chi phí mà còn về mặt pháp lý trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chưa hoàn thành từ các nghị quyết 19 trước và thực thi hiệu quả nhóm những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 19 năm 2018 thông qua việc chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm tra sang chủ yếu hậu kiểm, gắn liền với áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.
Xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan;
Giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành;
Giảm tỷ lệ các lô nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống còn 10%.
Không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch. Triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới qua NSW và Cơ chế một cửa ASEAN.
Cuối cùng là thống nhất các vấn đề có cách hiểu khác nhau như làm rõ vấn đề chỉ sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 mới phải công bố hợp quy hay cả những sản phẩm hàng hóa không thuộc nhóm 2.
Làm rõ vấn đề ai có trách nhiệm công bố hợp quy. Việc quản lý an toàn thực phẩm có được điều chỉnh bởi luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hay không. Làm rõ các vấn đề này sẽ là cơ sở để giải quyết các vướng mắc khác, ông Bình cho biết.
Với các biện pháp mà ông Bình đưa ra, hy vọng thời gian tới, hoạt động QLKTCN đối với hàng hoá xuất nhập khẩu sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, tránh tình trạng “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng” như câu ví mà Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra tại Hội thảo.