Quảng Bình: Nước lũ lên nhanh, di dời người dân đến nơi an toàn
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình dự kiến dựa vào tình hình thực tế tại địa phương để di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm gồm vùng ven biển và cửa sông. Dự kiến di dời dân trong trường hợp trên báo động 3 toàn tỉnh có 18.967 hộ/65.893 người cần di dời.
Tại huyện Tuyên Hóa, mưa to khiến nước lũ lên nhanh khiến nhiều đường giao thông bị ngập. Trong đó, nhiều tuyến đường liên xã bị sạt lở 4 đoạn, nhiều đoạn bị ngập trên 0,5m xe cộ không lưu thông được.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, xã Thuận Hóa và xã Thanh Thạch đã tổ chức di dời khẩn cấp 7 hộ/35 khẩu ở các điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở núi đến nơi ở mới an toàn. Đối với 73 hộ/252 khẩu ở xã Đức Hóa, Mai Hóa, Tiến Hóa, chính quyền các địa phương đã tổ chức vận động, xây dựng phương án sẵn sàng di dời đến các địa điểm an toàn trước khi thiên tai xảy ra.
Tại huyện Quảng Ninh, tính đến 14 giờ chiều 17/10, toàn huyện có 15 thôn, bản bị chia cắt, trong đó có bản Khe Ngang, Khe Dây, Lâm Ninh, Hang Chuồn và thôn Trường Nam (xã Trường Xuân); bản Trung Sơn, Ploang, Rìn Rìn, Dốc Mây (xã Trường Sơn), khu vực thôn Đồng Tư (xã Hiền Ninh)... Một số nơi có ngập lụt cục bộ.
Lúc 10 giờ ngày 17/10, đò của ông Hoàng Tuấn Anh, sinh năm 1992 ở thôn Liên Xuân trong quá trình di chuyển đã bị chìm tại khúc sông qua Bản Chân Trộng xã Trường Sơn. Nhận được tin báo, Đồn Đồn Biên phòng Làng Mô đã cử 5 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với chính quyền địa phương, bà con nhân dân tham gia kịp thời cứu nạn và đã đưa được ông Hoàng Tuấn Anh vào bờ an toàn; đồng thời cố định phương tiện chờ lũ rút sẽ trục vớt.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, huyện đã chỉ đạo các xã cử lực lượng chốt chặn tại các ngầm, tràn, các điểm bị ngập để quản lý người qua lại, đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ.
Tại huyện Lệ Thủy, mưa lớn những ngày qua cũng khiến nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn bị sạt lở, ngập sâu gây ách tắc. Tại các điểm có nguy cơ ngập lụt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, sáng nay (17/10), Đồn Biên phòng Làng Ho đã vận động và giúp đỡ 9 hộ/54 khẩu ở bản Mít Cát, Ho Rum, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đến vị trí an toàn.
Tại huyện miền núi Minh Hóa mưa lớn cùng với nước lũ từ thượng nguồn tràn về đã gây ngập sâu ở ngầm tràn về xã Minh Hóa, chia cắt toàn bộ địa phương này. Tại “rốn lũ” Tân Hóa, nước lũ dâng cao làm ngầm Bến Seeng ngập hơn 1m, chia cắt thôn 4 và thôn 5 của xã.
Tại xã Thượng Hóa, đường vào 3 bản đồng bào Rục, nước đã ngập sâu hơn 1m, kéo dài khoảng 3km tại Hung Trâu. Tại 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa, các ngầm Ka Ai, Ka Định, Hà Nông, Co Pi cũng đã ngập sâu hơn 1m, chia cắt tạm thời 11 bản gồm 900 hộ dân.
Trước những diễn biến của mưa lũ, chính quyền địa phương đã phối hợp với chỉ huy công trường Thủy điện La Trọng di dời 25 công nhân tại 2 lán trại đến khu vực an toàn, trước nguy cơ sạt lở có thể xảy ra.
Trước đó, UBND huyện Minh Hóa đã dự trữ 10 tấn gạo tại Đồn Biên phòng Cà Xèng (5 tấn) và Đồn Biên phòng Ra Mai (5 tấn) để kịp thời cấp phát, hỗ trợ người dân trong trường hợp mưa lũ, chia cắt kéo dài.
Bên cạnh đó, lực lượng công an, quân sự huyện Minh Hóa đã điều động ca nô, lực lượng xuống các khu vực xung yếu gồm: Bến đò đi xã Minh Hóa, xã Tân Hóa, 2 địa phương có nguy cơ ngập lụt và chia cắt dài ngày để túc trực, ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Đặc biệt ở các xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa, chính quyền địa phương ra thông báo nghiêm cấm người vào rừng và đánh bắt cá trên suối lúc lũ lớn, nước chảy xiết.
Tại thị xã Ba Đồn, mực nước sông Gianh lên nhanh do nước từ thượng lưu chảy về kết hợp triều cường lên nên đường giao thông tại các vùng cồn bãi đã bị ngập. Mực nước cách kè chống xói lở 0,5-1m; các tuyến đường tại các địa phương như: thôn Công Hòa xã Quảng Trung, thôn Tiên Xuân xã Quảng Tiên… một số điểm tại xã Quảng Văn và một số khu chợ ven sông đã bị ngập lụt…
Chiều 17/10, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, lực lượng thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trực ban 24/24, tham mưu kịp thời khi có sự cố xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, phương tiện, nhiên liệu, vật tư y tế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi cần.
Những vùng thường xuyên bị chia cắt, bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét, cần có phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, không để xảy ra sự cố, gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân; đồng thời, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các khu cách ly tập trung do dịch COVID-19, đề phòng bị chia cắt lâu dài.
Hiện nay, các huyện, thị xã và các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Công an đang khẩn trương giúp dân, di dời dân những nơi xung yếu, có nguy cơ bị ngập, sạt lở… tới nơi an toàn. Đã có hơn 1.000 hộ dân được di dời…