Chốt giảm 'kịch khung' thuế BVMT với xăng, dầu từ 11/7: Có nên giảm tiếp các loại thuế khác?
Giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, thi hành ngay từ ngày 11/7
Sáng 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng , dầu, mỡ nhờn.
Tại Phiên họp, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và Báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí cao về việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn so với quy định hiện hành; qua đó kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết với tỷ lệ tán thành đạt 100%, giảm thuế BVMT về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ, cụ thể:
- Xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít - Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít - Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít - Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít - Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là mức giảm "kịch khung" mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định theo sự ủy quyền của Quốc hội.
Về thời điểm có hiệu lực thi hành, Chính phủ đề xuất nhanh nhất đến ngày 22/7/2022 để kịp ban hành Nghị định hướng dẫn và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giảm thuế BVMT đối với xăng dầu trong điều kiện hiện nay là rất cấp bách, thực hiện càng sớm bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2022 để kịp cho kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo.
"Chính phủ đã rất nỗ lực, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương thực hiện cam kết tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá XV. Ngay khi các đồng chí có Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Ủy ban Tài chính – Ngân sách tiến hành thẩm tra ngay và triệu tập phiên họp bất thường hôm nay để xem xét, thông qua Nghị quyết. Với tinh thần khẩn trương như vậy, chúng ta cố gắng làm ngày làm đêm hoàn thành ngay các công việc tiếp theo để triển khai Nghị quyết sớm nhất", Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách phối hợp chặt chẽ, rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành chính thức.
Có nên giảm thêm các loại thuế xăng dầu khác?
Vào cuối tháng 6, Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu nhằm góp phần bình ổn giá mặt hàng này. Bộ Tài chính chưa thông tin mức giảm cụ thể, nhưng giải pháp giảm thuế được kỳ vọng sẽ "hạ nhiệt" giá mặt hàng xăng dầu trong nước.
Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định giảm “kịch khung” thuế bảo vệ môi trường hôm 6/7, chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định động thái như vậy thể hiện phản ứng nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Nói về dư địa giảm thêm các loại thuế khác với mặt hàng xăng, dầu sau khi thuế bảo vệ môi trường đã giảm “kịch khung” theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng xét trên một số khía cạnh, không nên giảm thêm thuế xăng dầu.
Lý do thứ nhất, ông Thịnh cho rằng nếu đã là nền kinh tế thị trường, có độ mở cao, một khi giá quốc tế lên thì giá trong nước phải chấp nhận lên, đó là điều tất yếu không thể bàn cãi.
“Người dân phải thấy rằng không phải vì Chính phủ thu thuế nhiều quá nên bây giờ giá xăng dầu lên thì Chính phủ buộc phải giảm. Nhiều người cứ cho rằng Chính phủ bắt buộc phải giảm thuế, đó là không chính xác. Phải thấy rằng giá cả xăng dầu đang lên là do đà tăng giá quốc tế, đến các nền kinh tế lớn như Mỹ cũng phải chấp nhận”, TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo tính toán của vị này, đến cuối tháng 6/2022, cấu phần thuế xăng dầu tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 29,4% trong giá, tức ở mức rất thấp so với bình quân thế giới là 45-60%.
Nguyên nhân thứ hai, vị chuyên gia cho rằng việc giảm đồng đều không hỗ trợ được thẳng đến các ngành khó khăn. “Tất nhiên nếu Chính phủ cân đối được và thấy rằng giảm thuế có thể hỗ trợ được khó khăn cho doanh nghiệp, người dân cũng như cho xã hội, hay giảm áp lực lạm phát thì Chính phủ có thể đề xuất với Quốc hội trong kỳ họp sắp tới để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng dầu, đó hoàn toàn là thẩm quyền của Quốc hội. Chỉ có điều tôi cho rằng cách giảm thuế đại trà như vậy là không hợp lý, không đúng mục tiêu”.
“Những anh nào sử dụng càng nhiều xăng dầu thì càng được hỗ trợ giảm thuế nhiều, như thế không chuẩn xác. Ví dụ hai doanh nghiệp điện cùng sản xuất ra 1.000 kWh điện, một doanh nghiệp nhập máy móc mới hiện đại, chỉ tiêu thụ hết 5 tấn xăng, trong khi một doanh nghiệp dùng công nghệ cũ hơn, tiêu thụ tới 8 tấn xăng - đấy là tôi nói ví dụ - thì như cơ chế hiện nay, doanh nghiệp dùng công nghệ cũ lại được hỗ trợ nhiều hơn trên cùng sản lượng sản xuất ra là 1.000 kWh điện. Như vậy là bất hợp lý, vì chúng ta đang kêu gọi bảo vệ môi trường, kêu gọi sử dụng năng lượng tái tạo.
Hay nói về tiêu dùng của người dân, chẳng hạn người dân đi làm hàng ngày bằng xe máy tiêu thụ hết 1-2 lít xăng, thì sẽ được giảm thuế bảo vệ môi trường từ 3.000-6.000 đồng, so với một người đi làm hoặc thậm chí đi chơi bằng ô tô, tiêu thụ hết 60 - 70 lít xăng thì được giảm thuế 180.000-210.000 đồng”.
Ông Thịnh cho rằng nếu muốn giảm thuế thêm, có thể xem xét hỗ trợ thuế xăng dầu trực tiếp với từng ngành nghề khó khăn nhất định, chẳng hạn như doanh nghiệp vận tải đang rất khó khăn do giá xăng dầu cấu thành tới 30-40% giá thành dịch vụ.
Về một số ý kiến cho rằng ngoài phương án giảm thuế, có thể tìm cách hạ nhiệt giá xăng dầu thông qua tìm kiếm nguồn cung rẻ hơn, ông Thịnh khẳng định điều này khó thực hiện được.
“Về thông tin tìm nguồn nhập khẩu rẻ hơn, ví dụ thời gian qua có những người nói nhập khẩu từ Malaysia giá chỉ 13.000 đồng/ lít xăng chẳng hạn. Không có chuyện đó đâu. Giá xăng dầu ở Malaysia rẻ do Chính phủ trợ giá cho người dân trong nước, còn họ xuất khẩu xăng dầu vẫn theo giá quốc tế.
Chỉ có một điều là hiện nay, nếu theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì chúng ta có thể nhập khẩu rẻ hơn từ một số thị trường. Ví dụ nếu theo FTA với Hàn Quốc thì thuế là 8% chẳng hạn, FTA với ASEAN từ năm 2022 này thì thuế suất nhập khẩu 5%. Chỉ được ưu đãi như thế thôi, còn không có cách nào nhập khẩu xăng dầu giá rẻ cả”, vị chuyên gia khẳng định.