Quốc hội Thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi

22:24 | 13/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 13/6, với 91,32% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gồm 17 chương, quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Luật gồm 17 chương, 152 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Luật quy định rõ quyền của người nộp thuế. Theo đó, người nộp thuế được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế; được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.

Người nộp thuế được yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin công khai về thuế theo quy định của pháp luật; hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Ngoài ra, người nộp thuế được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật; khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình; không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế…

Quốc hội Thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi - ảnh 1
 Quốc hội Thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi.
Liên quan đến trách nhiệm của người nộp thuế, luật quy định: Người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật; khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế; nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm…
Theo Điều 85 Luật Quản lý thuế (sửa đổi), các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt gồm Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; Cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ; Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp trên mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.
Trước đó, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến đại biểu cho rằng, Điều 85 quy định về điều kiện để xóa nợ, trong khi các khoản xóa nợ 5 tỷ đồng, 10 tỷ đồng, 15 tỷ đồng đều tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, nhưng dự thảo Luật chỉ quy định Chủ tịch UBND tỉnh quyết định sau khi có doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà không quy định về mức tiền được xóa.
Đối với hộ kinh doanh được xóa sau 10 năm nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã không thấy quy định thời hạn bao nhiêu năm xóa hay đủ điều kiện phá sản là đủ điều kiện được xóa nợ ngay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Điều 85 quy định xóa nợ đối với 3 đối tượng: doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế (tại Khoản 1 Điều 85); cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp thuế (tại Khoản 2 Điều 85); các khoản tiền thuế nợ đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi (tại Khoản 3 Điều 85).
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản thể hiện tại Khoản 1 Điều 85 và đối với cá nhân thể hiện tại Khoản 2 Điều 85 của Luật Phá sản, tại dự thảo Luật quy định thẩm quyền xóa nợ quy định giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh nên trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản không quy định khoản nợ phải quá 10 năm và cũng không quy định mức tiền xóa nợ (không giới hạn về mức tiền xóa nợ).
Đối với khoản nợ của doanh nghiệp đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi (tại Khoản 3 Điều 85), dự thảo luật quy định thẩm quyền xóa nợ như sau: dưới 5 tỷ đồng giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh; từ 5 đến 10 tỷ đồng giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;  từ 10-15 tỷ đồng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính và trên 15 tỷ đồng giao Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo luật.