Quy định mới về căn cứ tính tiền lương ngày lễ, Tết áp dụng từ 1/2/2021

12:50 | 28/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động nghỉ lễ, Tết được hưởng lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm nghỉ lễ, Tết.
Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/12/2020 chính thức có hiệu lực từ 1/2/2021, trong đó có nhiều quy định mới về tiền lương ngày nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác của người lao động.

Theo đó, khoản 2, Điều 67 Nghị định 145/2020 quy định, tiền lương ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương là tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm người lao động nghỉ lễ, Tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương.
 
Như vậy, từ 1/2/2021, người lao động nghỉ lễ, Tết được hưởng lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm nghỉ lễ, Tết.
 
Quy định căn cứ tính tiền lương ngày lễ, Tết từ 1/2/2021
 
Ngoài ra, theo quy định mới, tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.
 
Từ giờ đến hết ngày 31/1/2021, căn cứ tính tiền lương ngày lễ Tết cho người lao động vẫn áp dụng quy định theo khoản 9, Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP, tiền lương này là tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng, nhân với số ngày nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, Tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương của người lao động.

Trong khi đó, khoản 3, Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP đang quy định:
 
- Với người lao động đã làm việc từ đủ 6 tháng trở lên: Tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi thôi việc, bị mất việc làm;
 
- Với người lao động có thời gian làm việc dưới 6 tháng: Tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.
 
Do đó, sắp tới, tiền lương những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm của người lao động chỉ còn căn cứ vào tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng thôi việc, bị mất việc làm.
 
Mặt khác, người lao động cần biết các quy định về ngày nghỉ hưởng nguyên lương theo quy định mới của Bộ Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021. Đối với người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
 
Cứ đủ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động tăng thêm tương ứng 1 ngày.
 
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
 
Ngoài ra, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày Lễ, Tết sau đây: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1-1 dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30-4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động, 1 ngày (ngày 1-5 dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2-9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10-3 âm lịch).
 
Ngoài ra, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày.
 
 
Hà Ly