Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến 2045

16:34 | 18/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với vai trò quan trọng kết nối kinh tế giữa Campuchia-Lào-Việt Nam, việc lập Quy hoạch chung xây dựng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh sẽ phát triển toàn diện trở thành một vùng kinh tế động lực của tỉnh Gia Lai.

Ngày 17/9/2020, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045.

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thuộc tỉnh Gia Lai được thành lập theo Quyết định số 139/2001/QĐ-TTg ngày 21/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ (khi đó mang tên Khu kinh tế cửa khẩu Đường 19, tỉnh Gia Lai).

Năm 2002, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thị trấn cửa khẩu đường 19 tại Quyết định số 46/2002/QĐ-UBND ngày 04/7/2002, trong đó có diện tích đất xây dựng là 276,6 ha, định hướng dân số đến năm 2020 là 9600 người. Tuy nhiên, theo Quyết định số 139/2001/QĐ-TTg ngày 21/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ thì không gian khu kinh tế cửa khẩu đường 19 bao gồm 04 xã và 01 thị trấn của huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, với tổng diện tích tự nhiên là 41.515 ha. Do vậy, quy hoạch chung năm 2002 chưa có định hướng tính kết nối tổng thể để phát triển cho toàn khu kinh tế và còn thiếu một số khu chức năng thuộc khu kinh tế. Như vậy, có thể thấy quy hoạch chung xây dựng thị trấn cửa khẩu đường 19 năm 2002 chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tình hình thực tế hiện nay cũng như định hướng lâu dài.

Với vị trí nằm trong khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, sự phát triển của Khu kinh tế của khẩu quốc tế Lệ Thanh có ý nghĩa quan trọng và tác động rất lớn tới quá trình phát triển của tỉnh Gia Lai cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, kết nối các hoạt động kinh tế của tỉnh, vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh Đông Bắc Campuchia.

Phạm vi lập quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh bao gồm địa giới hành chính của thị trấn Chư Ty, các xã Ia Kla, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai với tổng diện tích tự nhiên 415,15 km2.

Nhiệm vụ nêu mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thành một vùng kinh tế động lực của tỉnh Gia Lai, gắn với củng cố an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Với tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, là đầu mối giao thương phía tây của tỉnh Gia Lai, vùng Tây Nguyên và quốc tế; là điểm trung chuyển quan trọng về hàng hóa, khách du lịch trên tuyến hành lang Đông - Tây giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến 2045 - ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì hội nghị

Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành về cơ bản đều thống nhất với nội dung Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045 trình thẩm định. Bên cạnh đó, ý kiến góp ý của Hội đồng đề nghị cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung trong nhiệm vụ quy hoạch như: về căn cứ pháp lý lập nhiệm vụ, cập nhật các văn bản pháp lý liên quan, rà soát lại bản đồ, căn cứ đưa ra các chỉ tiêu dự báo, các nội dung liên quan đến quá trình thực hiện quy hoạch khu kinh tế, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch chung khu kinh tế, đánh giá hiện trạng phát triển khu kinh tế cửa khẩu…

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị đơn vị tư vấn, tỉnh Gia Lai rà soát lại nội dung Nhiệm vụ, bổ sung theo ý kiến góp ý của các bộ, ngành và thành viên Hội đồng, đề nghị làm rõ căn cứ diện tích nghiên cứu lập Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh như nhiệm vụ đã nêu. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng lưu ý tỉnh Gia Lai và đơn vị tư vấn, nhiệm vụ cần làm rõ vấn đề động lực phát triển của khu kinh tế cửa khẩu là gì cũng như xác định được vị trí, vai trò của Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh đối với tỉnh Gia Lai, vùng Tây Nguyên và Campuchia, trong tương quan so sánh với các khu kinh tế cửa khẩu lân cận… để xây dựng dự báo phát triển khu kinh tế mang tính khả thi trong tương lai.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị tỉnh Gia Lai chỉ đạo đơn vị tư vấn, phối hợp chặt chẽ với Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Bộ Xây dựng thực hiện rà soát lại dự thảo tờ trình và quyết định phê duyệt nhiệm vụ để chuyển lại cho Bộ Xây dựng trước khi Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hải Đăng

Xem thêm: Bất động sản có số lượng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất trong 8 tháng đầu năm 2020