Quý kinh doanh ảm đạm của ngành thép: Dự báo của tỷ phú Trần Đình Long thành sự thật
Theo VNDirect, hàng loạt công ty thép báo cáo lợi nhuận lao dốc trong quý II.
Cụ thể, tập đoàn đầu ngành là Hoà Phát đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 4.023 tỷ đồng mặc dù doanh thu tăng nhẹ 6% lên gần 38.000 tỷ đồng.
Trong bộ 3 ông lớn ngành thép, Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận sụt mạnh nhất, giảm tới 89% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 (tương đương quý III theo niên độ tài chính của Hoa Sen) xuống 265 tỷ đồng, mặc dù doanh thu thuần chỉ giảm 6% xuống còn 12.177 tỷ đồng.
Thép Nam Kim cũng chứng kiến lãi ròng lao dốc 76% trong quý II xuống 201 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần tăng 3% lên 7.196 tỷ đồng.
Những công ty thép có quy mô nhỏ hơn như Gang thép Cao Bằng, SMC, Thép Mê Lin cũng đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm từ hơn 80-90%. Với trường hợp của Tổng Công ty Thép Việt Nam, trong quý II báo lỗ 31 tỷ đồng, trái với kết quả lãi kỷ lục gần 627 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của công ty giảm 12% xuống khoảng 9.570 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận giảm sâu của một loạt doanh nghiệp ngành thép không nằm ngoài dự báo của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Trần Đình Long cho biết: "Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”.
Cùng với dự báo trên, ông Long nêu ra một số nguyên nhân có thể khiến ngành thép đối diện gặp khó khăn trong các quý còn lại của năm. Đầu tiên, giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn. Việc nhiên liệu đầu vào liên tục tăng cao ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào sản xuất, qua đó làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine cũng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy chi phí logistics tăng cao, gây áp lực không nhỏ lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép.
Một nguyên nhân nữa được 'vua thép' Trần Đình Long chỉ ra là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero COVID" khiến cho nhu cầu thép giảm tại thị trường này giảm, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn duy trì công suất hoạt động các nhà máy sản xuất, dẫn đến tồn kho tăng.
Theo Nhịp sống doanh nghiệp, những khó khăn mà Chủ tịch Hòa Phát nêu ra không phải là của riêng tập đoàn này mà là bất lợi chung đối với toàn ngành thép. Tại thời điểm ngày 30/6, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán (đã bao gồm trích lập dự phòng) ước tính lên tới 110.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ đồng so với cuối quý 1. Đây cũng là mức tồn kho kỷ lục của ngành thép từ trước tới nay, vượt xa đỉnh cũ hồi cuối quý 3 năm ngoái.
Tồn kho ngành thép tăng vọt trong bối cảnh giá thép liên tục giảm mạnh. Trong 11 tuần qua, giá thép trong nước đã giảm 11 lần với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,9 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho rằng việc lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép trong đầu tháng 6/2022 đã giảm về mức 16,8 triệu đồng/tấn, giảm 2,1 triệu đồng/tấn so với lúc đỉnh.
Đánh giá triển vọng ngành thép và tôn mạ 6 tháng cuối năm 2022, MAS hạ nhận định ngành thép từ tích cực xuống trung tính.
Dự báo lợi nhuận cả năm 2022, SSI Research ước tính Hòa Phát có thể đạt 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với năm 2021 chủ yếu do giả định giá thép giảm. Tương tự, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hoa Sen cũng được dự báo giảm 67% so với cùng kỳ, còn 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Với Thép Nam Kim, dự phóng lợi nhuận năm 2022 cũng giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng.