Tỷ phú Trần Đình Long lần đầu lọt top 1.000 người giàu nhất thế giới

Chu Khải Hoàn 08:23 | 02/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong ngày 1/3, ông Trần Đình Long đã có thời gian ngắn xuất hiện trong top 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng có giá trị lên tới 3,2 tỷ USD.

Ngày 1/3, theo bảng xếp hạng Real Time của tạp chí Forbes, Việt Nam hiện đang có 6 tỷ phú USD, bao gồm ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương & gia đình.

Theo đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup vẫn giữ vị trí người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng trị giá 6,2 tỷ USD, đồng thời trở thành người giàu thứ 443 thế giới.

Đáng chú ý, trong ngày 1/3, tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hòa Phát, đã có thời điểm lọt vào top 1.000 người giàu nhất thế giới, cụ thể là vị trí thứ 980 với khối tài sản ròng trị giá 3,2 tỷ USD. 

Tuy nhiên, tính đến 17h chiều 1/3, khối tài sản ròng của ông Long đã giảm 100 triệu USD xuống còn 3,1 tỷ USD, qua đó cũng rớt xuống vị trí 1.011 trong số những người giàu nhất thế giới, theo Forbes.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air là người giàu thứ ba Việt Nam với khối tài sản ròng trị giá 2,9 tỷ USD, đứng thứ 1.110 trên thế giới. Trong khi đó, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank nắm giữ vị trí thứ 4 tại Việt Nam, thứ 1.263 trên thế giới với khối tài sản ròng giá trị 2,5 tỷ USD.

Ở hai vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng tỷ phú USD Việt Nam của Forbes lần lượt là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Trường Hải. Khối tài sản ròng của hai vị tỷ phú này lần lượt là 2,1 tỷ USD và 1,6 tỷ USD, đứng ở vị trí 1.519 và 1.904 trên thế giới.

Tỷ phú Trần Đình Long là người giàu thứ hai Việt Nam. (Ảnh: Vir).  

Như vậy, tổng giá trị tài sản ròng mà 6 tỷ phú của Việt Nam đang sở hữu đạt 18,4 tỷ USD tính đến chiều 1/3.

Ông chủ Hòa Phát lần đầu tiên được Forbes công nhận là tỷ phú USD từ tháng 3/2018 với khối tài sản ròng trị giá 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong hai năm tiếp theo, khi thị giá cổ phiếu công ty đi xuống, chủ tịch Hòa Phát đã rớt khỏi danh sách tỷ phú của Forbes, theo Zing News.

Cuối tháng 5/2020, tỷ phú Trần Đình Long một lần nữa quay trở lại bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes với khối tài sản ròng chạm mốc 1 tỷ USD trong bối cảnh giá cổ phiếu của Hòa Phát trên đà phục hồi. Thời điểm đó, ông là người giàu thứ 5 Việt Nam.

Tháng 4/2021, ông Trần Đình Long đã có lần đầu tiên vượt qua các tỷ phú khác để vươn lên vị trí người giàu thứ hai Việt Nam với khối tài sản ròng chạm mốc 2,7 tỷ USD. Cùng thời điểm đó, ông Long đã vươn lên vị trí 1.260 trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới.

Khối tài sản ròng của các tỷ phú trên thế giới được tạp chí Forbes định giá dựa trên số lượng cổ phiếu nắm giữ trong các công ty, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi các khoản nợ. Trong đó, nguồn tài sản chính của tỷ phú Trần Đình Long được Forbes xác định đến từ lượng cổ phiếu ông nắm giữ trong Tập đoàn Hòa Phát.

Trong phiên giao dịch ngày 1/3, mức giá giao dịch cao nhất đối với cổ phiếu HPG là 48.100 đồng/cổ phiếu. Đây có thể là một phần nguyên nhân giúp khối tài sản ròng của ông Trần Đình Long cán mốc 3,2 tỷ USD, lọt top 1.000 người giàu nhất thế giới. Dù vậy, kết phiên giao dịch ngày 1/3, cổ phiếu HPG đóng cửa ở mức 46.900 đồng/cp.

Mặc dù chỉ đứng trong top 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới trong thời gian ngắn, nhưng đây cũng là một dấu mốc đáng ghi nhớ với tỷ phú Trần Đình Long. Nếu so với thời điểm mới xuất hiện trong bảng xếp hạng của Forbes, khối tài sản ròng của ông Long hiện đã tăng thêm 1,8 tỷ USD chỉ trong 4 năm.