Rút khỏi Nga, Shell chịu thiệt hại lên tới 5 tỷ USD
Trong một tuyên bố, Shell cho biết tình trạng suy giảm tài sản và các khoản phí bổ sung liên quan đến các hoạt động ở Nga dự kiến khiến tập đoàn thiệt hại 4-5 tỷ USD trong quý I/2022.
Trước đó, hồi cuối tháng 2, Shell thông báo sẽ bán hết cổ phần trong tất cả các liên doanh với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Vào thời điểm đó, Shell cho biết các liên doanh có trị giá khoảng 3 tỷ USD.
Shell đã thu về khoản lợi nhuận khổng lồ vào năm ngoái, khi giá dầu và khí đốt tăng mạnh, nhờ nhu cầu phục hồi và tác động của căng thẳng địa chính trị. Lợi nhuận ròng của Shell đạt 20,1 tỷ USD trong năm 2021 sau khi lỗ 21,7 tỷ USD trong năm 2020. Dự kiến, Shell sẽ công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 vào ngày 5/5.
Anh, quê hương của Shell và cũng là quốc gia ít phụ thuộc vào năng lượng của Nga hơn phần còn lại của châu Âu, có kế hoạch loại bỏ dần lượng dầu nhập khẩu vào cuối năm nay, hướng tới ngừng nhập khẩu khí đốt.
Không riêng Shell, hàng loạt tập đoàn quốc tế đã ngừng kinh doanh tại Nga kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2.
Đối thủ chính của Shell là BP cũng đã thông báo về sự rời đi khỏi Nga. Vào cuối tháng 2, BP cho biết sẽ rút 19,75% cổ phần trong tập đoàn năng lượng khổng lồ Rosneft, chấm dứt hơn ba thập kỷ đầu tư vào Nga.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây ra những chấn động trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, giá dầu thế giới có thời điểm tăng vọt lên mức kỷ lục gần 140 USD/thùng vào tháng trước.