'Vàng đen' dậy sóng (Bài 2): DN dầu mỏ ước lãi tăng cao, người tiêu dùng lao đao trong bão giá

Phương Lê 15:10 | 07/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Căng thẳng nguồn cung đẩy giá năng lượng nhảy vọt. Các công ty dầu mỏ trên toàn cầu ghi nhận mức lãi kỷ lục. Trong khi đó, người tiêu dùng khốn đốn với các hóa đơn nhiên liệu.

Trái với năm 2020 ảm đạm khi nhu cầu dầu toàn cầu lao dốc do đại dịch và giá dầu có thời điểm ở mức âm, bước sang năm 2021, sự bùng nổ nhu cầu khi nền kinh tế phục hồi đã "trái thảm" cho các đại gia dầu mỏ bước vào một giai đoạn kinh doanh bùng nổ. Nguồn cung thắt chặt giữa lúc công suất của các nhà sản xuất hạn chế đã cộng hưởng với một loạt yếu tố về phía cầu đẩy giá năng lượng tăng cao. Giá dầu thô  Brent tăng khoảng 50% trong vòng 12 tháng lên mức 80 USD/thùng vào cuối năm 2021. 

Bước sang tháng 2/2022, thị trường dầu một lần nữa bùng nổ khi xung đột Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm căng thẳng nguồn cung. Theo IEA, thị trường năng lượng toàn cầu vốn đã thắt chặt, nay càng trở nên căng thẳng theo hàng loạt lệnh cấm vận của châu Âu với dầu của Nga. Trong khi đó, từ phía cầu, nhu cầu dầu toàn cầu trên đà phục hồi khi Trung Quốc nới lỏng các chính sách phòng dịch.

Những yếu tố kết hợp đẩy giá dầu lần đầu tiên cán mốc 100 USD/thùng kể từ năm 2014 và có thời điểm tiến đến gần 130 USD/ thùng. Một số ngân hàng đầu tư dự báo giá dầu có thể đạt trung bình 120-135 USD/thùng trong nửa cuối năm nay, thậm chí lập đỉnh mới 150 USD/ thùng.

Đại gia dầu mỏ báo lãi lớn

Khi giá dầu liên tục tăng, các công ty dầu mỏ lớn đang báo lãi tăng vọt, đồng thời dự báo triển vọng lạc quan cho cả năm nay.

 Phương Lê tổng hợp. 

Saudi Aramco báo lãi ròng năm 2021 đạt 110 tỷ USD, tăng 124% so với mức thực hiện 49 tỷ USD trong năm 2020. Công ty cho biết sẽ tiếp tục đầu tư nhằm tăng công suất sản xuất dầu thô lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027, mở rộng sản xuất chất lỏng sang hóa chất và tìm cách tăng sản lượng khí đốt lên hơn 50% vào năm 2030.

Trong quý I/2022, Saudi Aramco tiếp tục báo lãi tăng vọt lên 39,5 tỷ USD, từ mức 21,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2021, tức tăng hơn 80%. Theo FactSet, vào tháng 4, giá trị vốn hóa của Saudi Aramco đạt gần 2,43 nghìn tỷ USD, vượt Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới. 

Saudi Aramco là tập đoàn dầu mỏ quốc doanh của Saudi Arabia - quốc gia đã chứng kiến ngành dầu mỏ bùng nổ với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong một thập kỷ qua.  

Cùng với Saudi Aramco, nhiều công ty năng lượng khác trên toàn cầu như Shell, BP, ExxonMobil... cũng ghi nhận lợi nhuận ròng tăng lên mức kỷ lục trong ít nhất 10 năm trở lại đây.

Theo báo cáo kinh doanh quý I, Shell ghi nhận lợi nhuận sau thuế 7,1 tỷ USD bất chấp hãng phải chi tới 3,9 tỷ USD cho việc rút dần hoạt động khỏi thị trường Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Doanh thu quý I của Shell tăng 51% lên 84,2 tỷ USD. 

Đại gia dầu mỏ ExxonMobil của Mỹ dự báo lợi nhuận ròng năm nay có thể lên tới 33 tỷ USD, tăng từ mức 23 tỷ USD trong năm 2021 - vốn đã là mức cao nhất trong vòng 7 năm.

Còn công ty dầu khí của Anh BP cũng báo lãi kỷ lục 12,8 tỷ USD trong năm 2021 và được dự báo lãi ròng tăng lên 15,6 tỷ USD trong năm 2022.

Gánh nặng ngày càng lớn trên vai người tiêu dùng

Trong khi các đại gia dầu mỏ báo lãi tăng vọt, chi phí năng lượng tăng cao trở thành gánh nặng kinh tế đối với nhiều hộ gia đình, làm gia tăng áp lực lạm phát và có nguy cơ tác động tiêu cực đến chi tiêu tiêu cùng.

Tại Mỹ, giá xăng Mỹ lần đầu vượt mức 5 USD/ gallon vào giữa tháng 6. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Mỹ đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm.  

Tại châu Âu, lạm phát chung của khối EU đã tăng vọt lên mức 8,1% trong tháng 5, được thúc đẩy bởi lạm phát cao đáng kể ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý, do chi phí năng lượng và lương thực tăng cao xuất phát từ chiến tranh ở Ukraine. Chẳng hạn tại Pháp, theo báo cáo của INSEE, lạm phát tháng 6 đã tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ những năm 1980. Chỉ trong vòng một năm, do sự bùng nổ giá xăng dầu thế giới, giá năng lượng ở Pháp đã tăng mạnh 33,1%, mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Tại Anh, tỷ lệ lạm phát trong tháng 5 đã tăng lên mức 9,1%, cao nhất trong vòng 40 năm. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) thậm chí cảnh báo lạm phát có thể chạm ngưỡng 11% vào tháng 10, khi mức trần hóa đơn năng lượng trong nước được dỡ bỏ và giá năng lượng tiếp tục đi lên. Vào tháng 4 vừa qua, mức trần giá năng lượng ở Anh đã tăng từ 1.277 bảng Anh/năm lên 1.971 bảng Anh/năm, và được dự báo có thể sẽ tăng lên khoảng 2.800 bảng Anh/năm vào tháng 10 tới.

Tại Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 đã tăng 6,0% so với một năm trước đó, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1998 và vượt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong tháng thứ 15 liên tiếp.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ lạm phát thậm chí đã lên tới 79% trong tháng 6 vừa qua,  vượt qua mọi dự báo và là mức lạm phát hàng năm kỷ lục trong vòng 24 năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu do giá năng lượng và lương thực thực phẩm lên cao. 

Một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew dựa trên dữ liệu từ 44 nền kinh tế tiên tiến cho thấy, trong gần như tất cả các nền kinh tế này, giá tiêu dùng đã tăng đáng kể kể từ thời kỳ trước đại dịch.  

Sức ép lạm phát nóng hơn bao giờ hết đang buộc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất  0,75% - mức tăng cao nhất trong nhiều năm - tại cuộc họp chính sách vào tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng xác nhận kế hoạch nâng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp tháng 7, với khả năng sẽ tiếp tục thêm một đợt nâng lãi suất nữa vào tháng 9. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đang hành động tương tự.

Những động thái thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn không chỉ có nguy cơ làm chậm đà phục hồi từ đại dịch, thậm chí đưa kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái như một số dự báo, mà còn có thể tác động đến chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, trong đó có Việt Nam.