Saigon Shipmarin: Thay đổi chiến lược chiếm lĩnh thị trường

10:12 | 29/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngành công nghiệp đóng tàu dân dụng luôn được xác định có vị trí không thể thiếu đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm qua, toàn ngành gặp khủng hoảng do nhu cầu vận tải đường biển thế giới cũng như trong nước suy giảm mạnh.

Trước khó khăn chung của toàn ngành, Công ty Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin - SSMI) cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng đóng mới tàu vỏ thép. Tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực của toàn cán bộ công nhân viên, công ty đã và đang từng bước tinh giản bộ máy, cơ cấu lại sản phẩm theo hướng tìm kiếm những mẫu mã thị trường có nhu cầu. Với những hướng đi mới, Saigon Shipmarin vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.

Phát huy thế mạnh sửa chữa tàu

Dù đang trong thời kỳ khủng hoảng của ngành đóng tàu nhưng công ty vẫn đang hoạt đông tương đối ổn định và duy trì sản xuất. Saigon Shipmarin hiện có hai ụ nổi trọng tải 6.000 tấn và 8.500 tấn có khả năng sửa chữa được tàu trọng tải đến 27.000 tấn. Doanh thu bình quân hằng năm từ sửa chữa của công ty đạt trên 100 tỷ đồng.

Saigon Shipmarin: Thay đổi chiến lược chiếm lĩnh thị trường - ảnh 1
 Một trong những con tàu được hoán cải tại Saigon Shipmarin.
Theo Phó Giám đốc Saigon Shipmarin Cao Tuấn Dũng, hiện nay nhu cầu sửa chữa tàu dồi dào hơn bởi muốn hoạt động an toàn trên biển, tàu bắt buộc phải quan tâm đến bảo dưỡng, sửa chữa. Do đó, trong thời gian qua Công ty đã nỗ lực cải tiến công tác tổ chức sản xuất khoa học hơn và áp dụng nhiều công nghệ mới vào đóng mới sửa chữa tàu, đặc biệt là công tác làm sạch, sơn đã được bạn hàng tín nhiệm cao. Công việc này tuy nguồn thu không lớn như đóng mới nhưng được trả tiền ngay, thời gian ngắn, không bị đọng vốn.
Đẩy mạnh đóng tàu du lịch
Song song với việc phát huy thế mạnh là sửa chữa tàu, những năm gần đây, công ty cũng đã nghiên cứu và đầu tư thêm hướng đóng mới tàu khách vỏ nhôm. Thậm chí, để nâng cao tay nghề và học hỏi từ thành công của các nhà máy đóng tàu khác, Saigon Shipmarin đã đưa cán bộ ra Nhà máy đóng tàu Sông Cấm để học hỏi kinh nghiệm quản lý cũng như kỹ thuật. Theo Ban lãnh đạo công ty, đây cũng là hướng chiến lược mới nhằm duy trì đội ngũ cán bộ, công nhân, chờ ngành vận tải biển phục hồi.
Trao đổi về việc này, đại diện công ty cho rằng chuyển từ đóng tàu chở hàng khô sang đóng mới các loại tàu dịch vụ và tiếp cận dần công nghệ đóng tàu vỏ nhôm là hướng đi cấp thiết. Bởi nếu không nhạy bén với thương trường, nhanh chóng chuyển sang các dòng tàu dịch vụ biển này thì rất dễ mất dần khách hàng. Thời buổi này phải tỉnh táo để đưa ra những quyết sách đúng, kịp thời mới mong tồn tại và phát triển.
Theo ông Lê Hồng Quang, Chủ tịch Saigon Shipmarin: Thời gian qua, công ty đã sử dụng các phương thức kinh doanh thông qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật, và ứng dụng các phần mềm trong điều hành cũng như quản lý. Việc tinh giản lực lượng công nhân cũng như cán bộ nhân viên giúp cho công ty thu gọn bộ máy hơn so với những năm trước. Công ty đã chủ động trong việc phát triển thị trường và tìm kiếm nguồn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá trị sản xuất đạt hơn 560 tỷ đồng (bằng 100,3% kế hoạch), doanh thu hơn 263 tỷ đồng (đạt 102% kế hoạch). Trong đó, giá trị từ đóng mới các loại tàu biển đạt trên 456 tỷ đồng, sửa chữa là trên 104 tỷ đồng. Năm 2018, đơn vị hoàn thành chỉ tiêu bàn giao 8 chiếc tàu đóng mới theo đúng kế hoạch; Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 9,19 triệu đồng/người/tháng (đạt 100% chỉ tiêu đề ra của năm 2018).
Hiện công ty vẫn trên đà thực hiện tái cơ cấu cũng như hoàn thiện việc cố phần hóa công ty. Đồng thời, công ty đang kiện toàn lại hệ thống quản lý, sản xuất và vận hành, ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động.