Sao Ta (FMC) đặt mục tiêu tăng trưởng 10% cả doanh thu và lợi nhuận trong 2023

Lạc Lạc 12:19 | 03/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, nhất là tình hình lạm phát khiến người dân thắt chặt chi tiêu, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vẫn có kết quả kinh doanh thuận lợi trong tháng 12. Năm 2023, Sao Ta đặt mục tiêu tăng trưởng 10% cả doanh thu và lợi nhuận.

Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ năm 2022 đạt khoảng 226 triệu USD, tương đương 5.336 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 340 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm 2021, vượt 6% kế hoạch. Doanh số và lợi nhuận đều tăng là điểm sáng thành quả hoạt động năm 2022 của Sao Ta. 

Chia theo lĩnh vực, riêng tháng 12, sản lượng tôm thành phẩm của Sao Ta đạt 1.249 tấn. Lũy kế cả năm, sản lượng tôm tương đương 90% so với năm trước, ở mức 20.511 tấn. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết quý IV bị ảnh hưởng do nguyên liệu ít, nuôi tôm bị dịch bệnh và gây thiệt hại không nhỏ tới doanh nghiệp. Tiêu thụ tôm thành phẩm cả năm đạt 919 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. 

Sản lượng nông sản thành phẩm tháng 12 của Sao Ta là 140 tấn, lũy kế cả năm tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ nông sản thành phẩm tháng 12 ước khoảng 43 tấn, nâng sản lượng cả năm ước tăng 13% so với năm 2021.

Từ đầu quý IV/2022, Sao Ta đã hoàn thiện nhà máy, tập trung nguồn lực cho việc hoàn tất hệ thống ao nuôi khu nuôi mới có. 

Về triển vọng năm 2023, trong thư gửi cổ đông, Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực cho biết doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 10% về cả doanh thu và lợi nhuận năm sau.

Dù đặt kế hoạch khá khả quan, nhưng theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vào cuối tháng 11/2022, sức cầu yếu sẽ kéo doanh thu của Sao Ta giảm trong những tháng cuối năm. Tình trạng này có thể kéo dài đến 6 tháng đầu 2023 trước khi phục hồi dần trong 6 tháng cuối 2023 khi nhu cầu tăng trở lại.

Theo đó, VDSC dự phóng sang năm 2023, kết quả kinh doanh của Sao Ta có thể chỉ tăng trưởng một con số trước áp lực từ phía cầu. Cụ thể,  dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của Sao Ta năm sau lần lượt đạt 6.249 tỷ đồng (tăng 3% so với năm 2022) và 356 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2022). Phân tích trên dựa trên kỳ vọng của VDSC với sản lượng xuất khẩu tôm của Sao Ta sẽ tăng 7% trong năm 2023, thấp hơn so với kế hoạch ban đầu của công ty là 20% do những tác động tiêu cực. 

Nguyên nhân là do nhu cầu các thị trường tiêu thụ tôm chính của Việt Nam dự kiến sẽ chững lại khi nền kinh tế toàn cầu biến động tiêu cực, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hàng tồn kho cao tại các nước nhập khẩu. Hơn nữa, đồng nội tệ của EU, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục mất giá so với USD đã làm giảm sức mua tại các thị trường trọng điểm.

Song, đơn vị phân tích cũng cho rằng, xuất khẩu tôm của Việt Nam có thể chậm lại nhưng khó có thể giảm mạnh do nhu cầu đối với tôm chế biến ở nước ta khá ổn định. Sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam có thể tiêu thụ chậm nhưng khó bị các sản phẩm tôm khác thay thế. 

 

 

Doanh thu từng tháng của Sao Ta trong giai đoạn 2020 -  2022 (triệu USD)  (Nguồn: VDSC) 

 

  Dự phóng doanh thu mảng tôm của Sao Ta (Nguồn: VDSC)