Chủ tịch Sao Ta: 'Bán hàng ở EU gần như không có lời, ở Mỹ cạnh tranh không nổi'
Mới đây, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ chung trong 8 tháng đầu năm đạt 161,9 triệu USD (khoảng 3.805 tỷ đồng), tăng gần 22% so cùng kỳ năm ngoái và tương ứng 70,4% kế hoạch cả năm.
Như vậy tính riêng trong tháng 8, doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt đạt 21,9 triệu USD và gần gấp đôi tháng 8 năm ngoái. Kết quả của tháng 8 cũng là thành quả cao thứ ba từ đầu năm đến nay của doanh nghiệp này, xếp sau tháng 1 và tháng 5.
Mặc dù vậy, việc tiêu thụ tôm đang có xu hướng chững lại sau đợt tăng trưởng nóng của nửa đầu năm 2022. Trong 8 tháng đầu năm, sản lượng tôm thành phẩm chế biến của Sao Ta đạt 14.563 tấn, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2021. Còn tôm thành phẩm tiêu thụ 13.253 tấn, tăng 13,4%. Tuy nhiên, nếu tính riêng trong tháng 8, sản lượng tôm chế biến chỉ đạt 1.674 tấn, giảm 21% so với tháng 7.
Hoạt động tiêu thụ ở các thị trường lớn của Sao Ta, đặc biệt là EU, Nhật và Mỹ đang gặp khó khăn lớn vì lạm phát tăng cao, đồng tiền ngoại tệ mất giá trong khi chi phí bán hàng quá lớn.
Chia sẻ với người viết, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của Sao Ta cho biết tỷ giá đồng Yên/VND giảm 16% trong khi đồng EUR/VND cũng giảm tới 12%. Do đó việc bán hàng sang các thị trường này đều bất lợi vì tiền mất giá.
“Riêng ở thị trường EU, cước tàu tăng lên giá “trên trời”, chi phí đầu vào sản xuất thì đều tăng cao trong khi tiêu thụ giảm vì suy thoái kinh tế nên chúng tôi bán hàng gần như hoà vốn”, ông Lực nói.
Ngoài ra, vị này nói thêm tình hình kinh tế tại Châu Âu khó khăn trong khi tôm chế biến lại là mặt hàng cao cấp, có giá bán cao nên sức tiêu thụ ảnh hưởng lớn.
“Dẫu sao hợp đồng bán hàng cũng đã ký và khách hàng Châu Âu trước nay vẫn giữ cam kết khá tốt, chỉ có điều giao hàng hơi chậm. Hiện chúng tôi vẫn đang cố duy trì tại thị trường này bằng cách nhắm đến hệ thống phân phối cao cấp để đánh vào đối tượng khách hàng có thu nhập cao bởi sản phẩm xuất sang thị trường này có giá trị gia tăng cao như tôm luộc, tôm bao bột”, ông Lực nói.
Còn với thị trường Mỹ, đồng tỷ giá USD/VND tăng 2%. Về lý thuyết, xuất khẩu sang thị trường này có lợi thế nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại bởi cước tàu cao gấp nhiều lần so với điểm trước dịch. Trong khi đó, các đối thủ lớn như Ecuador và Ấn Độ vừa có lợi thế về cước tàu vì ở vị trí gần, vừa có tôm giá rẻ.
“Từ năm ngoái đến năm năm nay, Ecuador liên tục tăng sản lượng nuôi tôm khiến giá bán sang Mỹ càng giảm thêm. Tôm Việt Nam không thể cạnh tranh ở phân khúc tôm thô hoặc chế biến ở mức độ trung bình, giá rẻ mà chủ yếu đánh vào thị trường tôm chế biến chất lượng cao”, ông Lực nói.
Trang Undercurrent News mới đây dẫn số liệu của cơ quan thuỷ hải sản Ecuador (CNA), lượng tôm xuất khẩu trong tháng 7 đạt 103.305 tấn trong tháng 7, tăng 8% so với tháng 6 đồng thời là tháng thứ 3 liên tiếp xô đổ các kỷ lục cũ.
Ecuador tiếp tục tăng cường xuất khẩu sang Mỹ và đây là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của quốc gia này. Lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái lên 19.000 tấn.
Năm 2021, sản lượng tôm nước này vượt 1 triệu tấn và được dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên tới 2,5 triệu tấn. Con số này gần bằng nhu cầu nhập khẩu tôm của toàn thế giới hiện tại là 2,8 triệu tấn.
Cứu cánh từ thị trường Nhật Bản
Trong bối cảnh tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn khó khăn, Nhật Bản vẫn được xem là giải pháp cứu cánh với Sao Ta. Bởi, cả tôm của Ecuador và Ấn Độ không có lợi thế do thị trường này ưa chuộng tiêu thụ những sản phẩm chế biến sâu và tỉ mỉ.
“Mặc dù tỷ giá Yên/VND giảm 16% nhưng tính ra bán hàng ở Nhật Bản lợi thế hơn do cước tàu rẻ, chỉ 4.000 - 5.000 USD/container. Điều này không làm tăng giá bán “ảo” bởi cước tàu cũng phải cộng vào chi phí giá bán. Điều này bù đắp phần nào việc đồng Yên Nhật mất giá. Ngoài ra, chúng tôi có lợi thế về sản phẩm chế biến tỉ mỉ, do đó, Nhật Bản chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong số các thị trường của Sao Ta 2 năm nay”, ông Lực nói.
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm tiêu thụ do kinh tế khó khăn. Do đó, Sao Ta đang phải giảm giá bán khoảng 2% để duy trì thị trường này.
“Chúng tôi có cơ sở để giảm giá bán vì năm nay nuôi tôm được mùa, nhờ đó giá thành sản xuất cũng bớt đi một chút”, ông Lực nói.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư diễn ra vào đầu tháng 9, ông Nguyễn Văn Khải, Thành viên HĐQT của Sao Ta cho biết hoạt động nuôi tôm vẫn đang có lời bởi doanh nghiệp đã hợp tác với C.P Việt Nam trong mảng giống, đồng thời làm chủ về quy trình và công nghệ nuôi. Đó là lý do vì sao doanh nghiệp liên tục mở rộng vùng nuôi từ 300 ha lên 500 ha.
“Với riêng Sao Ta, cả mảng nuôi tôm và chế biến đều hiệu quả, mảng này không phải gồng gánh cho mảng kia. Song phải khẳng định rằng mảng nuôi cho chúng tôi cơ hội bán hàng và lợi thế cạnh tranh”, ông Khải nói.
Hoạt động thả tôm nuôi vụ hai của Sao Ta đã hoàn tất, khoảng 380 ao. Hiện nay giá tôm thương phẩm khá cao vì sức cung vừa phải. Theo Sao Ta, tình hình này sẽ hỗ trợ làm giảm chi phí giá thành sản phẩm tôm tiêu thụ, hiệu quả hoạt động quý IV sẽ tốt lên.
Hiện Sao Ta đang hoàn tất việc chuyển giao tài sản tại cơ sở nuôi 203 ha vừa chuyển nhượng vốn và kiểm soát hoạt động.
Song song đó, Sao Ta sẽ tiến hành quy hoạch hệ thống ao nuôi và tiến hành thi công những hạng mục thực tế cho phép để hoàn tất việc tổ chức sản xuất trước tháng 5/2023 và tiến hành thả nuôi vụ đầu tiên, khả năng sẽ thả nuôi trên toàn bộ trại với khoảng 240 ao nuôi làm mới hoàn toàn.
Còn về xây dựng, công ty đang nỗ lực hoàn tất nhà máy mới. Việc xây dựng có chút chậm trễ là do bên cung ứng thiết bị, máy móc nước ngoài chậm trong khâu vận chuyển. Tuy nhiên, việc này không gây áp lực vì hiện nay sản lượng nguyên liệu chỉ mức vừa phải.