Sau Brilliance, đến lượt hãng xe Hàn Quốc SsangYong Motor xin phá sản
Hai tháng vừa qua, thị trường ô tô thế giới liên tiếp chứng kiến sự ra đi của 2 thương hiệu là Brilliance (Trung Quốc) và SsangYong Motor (Hàn Quốc).
Hãng xe Hàn Quốc SsangYong Motor vừa nộp đơn xin phá sản vì không còn khả năng trả khoản nợ 60 tỷ won (54,4 triệu USD). Nhà sản xuất ôtô đến từ xứ sở kim chi thông báo rằng, động thái này dự kiến gây ra sự gián đoạn lớn trong hoạt động của họ.
Dòng xe Tvivoli của SsangYong được quảng cáo và bán tại Việt Nam
Hãng đã đệ đơn lên tòa án sau khi không thể đạt được thỏa thuận gia hạn thời gian trả nợ với các ngân hàng nước ngoài. SsangYong nợ Ngân hàng Mỹ (Bank of America) khoảng 30 tỷ won (27,2 triệu USD), nợ JP Morgan Chase 20 tỷ won (18,1 triệu USD) và BNP Paribas 10 tỷ won (9 triệu USD).
Trước đó, nhà sản xuất ôtô Ấn Độ (Mahindra) đã cứu SsangYong khỏi vỡ nợ bằng một thỏa thuận vào năm 2010, nhưng không thành công trong việc xoay chuyển tình thế. Theo đó, công ty này cho biết sẽ đầu tư 423 triệu USD vào SsangYong để tạo ra lợi nhuận vào năm 2022, nhưng kế hoạch bị phá sản vì dịch COVID-19.
Tháng 4 vừa qua, Mahindra cho biết họ sẽ không đầu tư vào SsangYong nữa và yêu cầu hãng xe Hàn Quốc tìm kiếm nhà đầu tư mới. Đến tháng 6, công ty Ấn Độ cho biết họ sẵn sàng từ bỏ cổ phần sở hữu và đang tìm kiếm đơn vị mua lại SsangYong.
Doanh số bán hàng của SsangYong đang giảm dần. Hãng xe này chỉ bán được 96.825 xe trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2020, ít hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong hồ sơ của mình, SsangYong cho biết họ đã đăng ký chương trình hỗ trợ tái cơ cấu tự chủ, trong đó có 3 tháng để thương lượng với các bên liên quan, bao gồm cả chủ nợ để giải quyết vấn đề.
Vào đầu năm 2020, SsangYong đã lên kế hoạch kinh doanh phiên bản chạy điện hoàn toàn của chiếc SUV Korando tại châu Âu. Mẫu xe điện được dự kiến trưng bày tại Triển lãm Ôtô Geneva, tuy nhiên sự kiện này bị buộc phải hủy bỏ vì dịch COVID-19.
SsangYong Motor Company là nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư tại Hàn Quốc, được thành lập năm 1954. Đây không phải lần đầu tiên hãng xe này tuyên bố phá sản. Cuối năm 2004, Tập đoàn Công nghiệp Ôtô Thượng Hải (SAIC) mua lại 49% cổ phần hãng xe này. Tuy nhiên chỉ 5 năm sau, vào ngày 9/1/2009, Ssangyong nộp đơn xin phá sản để bảo vệ tài sản khỏi các chủ nợ do làm ăn thua lỗ và hãng mẹ không bơm tiền cứu.
Cuối năm 2009, Ssangyong được giải cứu và SAIC bị cắt giảm cổ phần từ 51% xuống 11,2%. Tháng 8/2010, Tập đoàn Mahindra & Mahindra của Ấn Độ mua lại 51% cổ phần SsangYong.
Tại Việt Nam, SsangYong xuất hiện như một thương hiệu mới trên thị trường ở Triển lãm ôtô VIMS 2017. Tuy nhiên, SsangYong nhanh chóng mất hút và không để lại dấu ấn gì đặc biệt. Những chiếc xe mang logo SsangYong rất ít khi được nhìn thấy lăn bánh tại Việt Nam.
Trước SsangYong, một tên tuổi khác trong thị trường xe thế giới là Brilliance (Trung Quốc) cũng nộp đơn xin phá sản. Theo phán quyết của tòa án, tài sản của Brilliance Group không đủ để trả tất cả khoản nợ.
"Xe Tàu" Brilliance V7 từng gây bão ngầm trên thị trường ô tô Việt Nam vào tháng 4/2020
Là một doanh nghiệp nhà nước có trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh, tập đoàn Brilliance kiểm soát và tham gia vào 4 công ty niêm yết, đồng thời thành lập BMW Brilliance như một liên doanh, thông qua Brilliance Trung Quốc và BMW.
Kể từ năm 2018, tỉnh Liêu Ninh và các ban ngành liên quan đã nỗ lực giúp Tập đoàn Brilliance giải quyết các vấn đề về dòng tiền, nhưng nợ nần vẫn chồng chất. Năm nay, do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, điều kiện hoạt động của các thương hiệu riêng của Tập đoàn Brilliance ngày càng xấu đi, các khoản nợ dài hạn bùng phát.
Theo báo cáo năm của Brilliance Group, tổng số nợ phải trả ở cấp tập đoàn là 52,376 tỷ nhân dân tệ, tỷ lệ nợ trên tài sản vượt quá 110%, và tập đoàn đã mất khả năng tài chính.
Với người tiêu dùng Việt Nam, Brilliance khá lạ lẫm do không được phân phối chính hãng. Tháng 4/2020, một doanh nghiệp tư nhân đưa mẫu xe gầm cao Brilliance V7 về thăm dò thị trường Việt Nam. Với một mẫu xe gầm cao 7 chỗ, trang bị hàng loạt tính năng cao cấp, Brilliance V7 được định giá khởi điểm là 738 triệu đồng. Ngay lập tức, mẫu xe này gây ra cơn sốt bởi sự tò mò và những định kiến về “xe Tàu”.
Chưa rõ, đã có bao nhiêu chiếc Brilliance V7 đã lăn bánh trên đường. Nhưng chỉ 7 tháng sau khi xuất hiện tại Việt Nam, hãng xe mẹ tại Trung Quốc đã phải tuyên bố phá sản.
KẾ TOẠI